Bột ngọt là một phụ gia thực phẩm có tác dụng điều vị làm cho thực phẩm ngon và hấp dẫn hơn tương tự như các gia vị khác. Tuy nhiên, mọi người vẫn chưa hiểu hết về tác dụng đối với sức khỏe của phụ gia này. Hãy cùng bài viết sau đây tìm hiểu rõ hơn về nó.

Bột ngọt là gì?

Bột ngọt (hay còn được gọi là mì chính) có tên khoa học là Monosodium Glutamate (viết tắt là MSG), là muối natri của axít glutamic, một axít amin rất cần thiết cho quá trình tổng hợp chất đạm (protein) của cơ thể. Axít glutamic tồn tại phổ biến trong các thực phẩm tự nhiên như thịt, cá, trứng, sữa (kể cả sữa mẹ) và các loại rau củ quả như cà chua, bí đỏ, đậu Hà Lan…

Hiện nay, bột ngọt được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên như tinh bột khoai mì, mật mía đường, bắp,… bằng phương pháp lên men vi sinh tự nhiên - tương tự như phương pháp sản xuất bia, giấm, nước mắm….

Chức năng chính của bột ngọt là mang lại vị umami (vị ngọt tương tự như vị của thịt) cho món ăn ngon hơn.

Bột ngọt là phụ gia thường được các bà nội trợ tin dùng.
Bột ngọt là phụ gia thường được các bà nội trợ tin dùng.

Bột ngọt có ảnh hưởng đến não, gây suy giảm trí nhớ không?

Cơ thể người có các cơ chế tự nhiên nhằm điều hòa hàm lượng các chất ở mức cân bằng, trong đó có glutamate – thành phần chính của bột ngọt.

Cụ thể, nghiên cứu của Tsai (2000) trên đối tượng nam giới trưởng thành cho thấy nồng độ glutamate trong máu dao động không đáng kể sau khi ăn những bữa ăn có bổ sung bột ngọt, đồng thời không có sự khác biệt về nồng độ glutamate trong máu giữa 2 nhóm đối tượng ăn khẩu phần có hoặc không bổ sung bột ngọt do ruột sử dụng glutamate như nguồn năng lượng.

Hơn nữa, hàng rào máu – não trong não bộ có chức năng ngăn sự di chuyển từ máu vào não của những chất không cần thiết cho hoạt động của não, trong đó có glutamate. Do đó, não người không bị ảnh hưởng khi sử dụng bột ngọt.

Bột ngọt có ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em không?

Theo JECFA, quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau và không có mối nguy nào đối với trẻ em khi sử dụng bột ngọt. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh bột ngọt không ảnh hưởng đến trẻ em ở tất cả các giai đoạn phát triển của trẻ (giai đoạn bào thai, giai đoạn bú sữa mẹ, giai đoạn sau cai sữa). Do vậy, có thể sử dụng bột ngọt trong chế biến món ăn cho trẻ em, cần lưu ý rằng bột ngọt chỉ là một loại gia vị, sử dụng như một phụ gia không nên sử dụng để thay thế các chất dinh dưỡng từ thực phẩm.

Cần biết rằng sữa mẹ có hàm lượng glutamate dồi dào (264 mg/100g sữa mẹ), nên một cách tự nhiên, trẻ đã hấp thụ glutamate thông qua sữa mẹ ngay từ những năm tháng đầu đời. Glutamate không phải là thành phần xa lạ với cơ thể của trẻ em.

Nên tẩm ướp bột ngọt vào nguyên liệu trước khi nấu để làm tăng vị umami tự nhiên.
Nên tẩm ướp bột ngọt vào nguyên liệu trước khi nấu để làm tăng vị umami tự nhiên.

Bột ngọt có bị biến đổi thành chất không tốt cho sức khỏe khi chế biến ở nhiệt độ cao không?

Nhiệt độ nấu nướng thường không vượt quá 250°C. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tại nhiệt độ đun nấu thông thường này, bột ngọt không bị biến đổi thành chất không tốt cho sức khỏe. Do vậy, có thể nêm nếm bột ngọt vào bất kỳ thời điểm nào khi nấu ăn.

Người tiêu dùng có thể tham khảo cách thức nêm nếm bột ngọt cho món ăn ngon nhất như sau:

- Với các món cần tẩm ướp (chiên/rán, nướng, xào, kho...), nếu dùng bột ngọt thì nên chia 2 lần. Lần 1 là tẩm ướp vào nguyên liệu trước khi nấu để làm tăng vị umami tự nhiên của nguyên liệu. Lần 2 là nêm nếm trước khi hoàn thiện món ăn để tổng hòa hương vị của món ăn.

- Với các món có nước (canh, súp, hầm...), nên nêm bột ngọt lúc gần bắc ra để giúp điều chỉnh vị tổng hòa một cách chính xác nhất, tránh hiện tượng nước sôi bốc hơi nhiều làm thay đổi vị của món ăn.

- Để giảm lượng muối (giảm natri) trong món ăn thì trong quá trình chế biến nên bớt đi 1 phần lượng gia vị mặn và thay thế bằng bột ngọt sẽ góp phần giảm tổng lương natri ăn vào vì hàm lượng natri trong bột ngọt chỉ bằng khoảng 1/3 hàm lượng natri trong muối ăn (12% so với 39%).

Bột ngọt có liên quan gì đến hội chứng "Nhà hàng Trung Quốc"?

Năm 1968, trong một báo cáo của tiến sĩ Ho Man Kwok đã mô tả lại các triệu chứng mà ông ghi nhận được sau khi ăn ở nhà hàng Trung Quốc như tê gáy, cổ và cảm giác bị nóng mặt, tức ngực…

Ông đã nêu lên giả thiết rằng các triệu chứng trên có thể gây ra bởi một số loại gia vị được sử dụng nhiều trong các món ăn Trung Quốc như nước tương, rượu, hàm lượng muối cao hay mì chính…

Trong nhiều năm qua, rất nhiều nghiên cứu sử dụng phương pháp mù kép, có đối chứng giả dược đã được tiến hành để đánh giá về mối liên quan giữa bột ngọt và hội chứng “Nhà hàng Trung Quốc” và các nghiên cứu này đều khẳng định rằng bột ngọt không phải là nguyên nhân gây nên hội chứng “Nhà hàng Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, cho đến nay, dựa trên các nghiên cứu khoa học đáng tin cậy, các tổ chức y tế và sức khỏe trên thế giới xác nhận bột ngọt là một loại gia vị an toàn cho mục đích sử dụng đối với mọi lứa tuổi với liều lượng sử dụng hàng ngày không xác định.