Nếu bé còi cọc, trí não của bé cũng sẽ chậm phát triển hơn so với những bé khác. Vì thế, cha mẹ cần phải có một chế độ dinh dưỡng thật khoa học cho bé.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thạc sỹ, bác sĩ nhi, Trần Khánh Hà (PK Đa Khoa Thảo Ngọc) trong các yếu tố để trẻ phát triển cân đối có một yếu tố không thể không nhắc tới đó chính là chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

Dưới đây là những thực phẩm các mẹ nên cho vào thực đơn mỗi ngày cho bé:

Sữa: Bác sĩ Trần Khánh Hà nhấn mạnh, các bà mẹ nên cho con bú ít nhất là 16 tháng. Bởi trong sữa mẹ có hàm lượng DHA và ARA rất phong phú là nền tảng cấu tạo mô não, thành phần chủ yếu của chất xám và võng mạc của bộ não trẻ. Và yêu cầu của người mẹ trong thời kỳ cho con bú là ăn uống đủ chất, uống đủ nước để đảm bảo nguồn sữa cho con.

Ngoài ra, khi bé ngoài 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho con bú thêm sữa công thức (nếu mẹ cạn sữa). Bởi sữa công thức có thành phần dinh dưỡng được sản xuất theo công thức của sữa mẹ. Sữa công thức có chứa DHA cùng với một axit béo khác là ARA rất cần thiết cho sự phát triển trí thông minh của trẻ.

Trứng gà: Theo bác sĩ Hà, bố mẹ nên bổ sung trứng gà vào bữa ăn hàng ngày của bé và nên cho bé ăn trứng vào buổi sáng. Trung bình mỗi tuần 2-3 quả trứng.

Trứng là thực phẩm giàu vitamin, protein và khoáng chất (Ảnh: Internet).

Trứng là thực phẩm giàu vitamin, protein và khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của bé. Không chỉ vậy, trứng còn được xem là thực phẩm giàu DHA và lecithin, không chỉ thúc đẩy sự phát triển của của hệ thần kinh và cơ thể mà nó có thể tiếp thêm sinh lực để não bộ phát triển khỏe mạnh hơn.

Thịt bò: Đặc biệt thịt bò nạc chứa một lượng sắt và kẽm rất lớn củng cố sự vững chắc và ổn định của não giúp cho trẻ dễ dàng tập trung hơn và tăng cường trí nhớ hiệu quả. Chính vì thế, thịt bò càng cần thiết hơn đối với trẻ đang trong độ tuổi đi học. Các bà mẹ có thể chế biến thịt bò thành nhiều món bé thích như bò hầm bít tết, bò xào lăn, cháo, súp, canh bò hầm…

Thực phẩm giàu omega 3: Bác sĩ Hà nhấn mạnh, những thực phẩm chứa chất phốt pho và a xít béo omega-3 cần thiết cho hoạt động có hiệu quả của bộ não. Những axit béo có tác dụng kích thích tín hiệu thần kinh giữa các nơron não bộ và cần thiết cho việc hình thành tế bào thần kinh. Từ đó, thúc đẩy trí nhớ, khả năng năng tập trung của bé dần phát triển hơn, hoàn thiện hơn.

Bố mẹ có thể lựa chọn những thực phẩm giàu omega3 như: Bắp cải, đậu phụ, quả óc chó, cá hồi…và chế biến chúng thành những món ăn mà bé yêu thích để cho vào thực đơn hàng ngày.

Cá hồi là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng mẹ không nên bỏ qua (Ảnh: Internet).

Rau củ: Rau củ, đặc biệt là những loại rau có màu sáng đậm giàu vitamin C và chất chống oxi hóa. Những thực phẩm này không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn giúp bảo vệ não bộ khỏi những gốc tự do, vốn là kẻ thù của não bộ. Vì những lý do đó, mẹ nên đưa rau củ quả vào bữa ăn hàng ngày cho trẻ bằng cách luộc để bé ăn, với những bé còn đang ăn dặm, mẹ nên xay nhuyễn cùng cháo.

Ngũ cốc: Có thể nói, ngũ cốc là thực phẩm hàng đầu mà bố mẹ không nên bỏ qua. Trong ngũ cốc có một lượng lớn vitamin A, B và C có tác dụng nuôi dưỡng các tế bào thần kinh. Không những vậy, trong ngũ cốc còn chứa sắt, kẽm giúp giảm béo phì, tăng cường khả năng phát triển thể chất, chiều cao ở trẻ. Vì thế, bố mẹ đừng quên cho ngũ cốc vào những món ăn chính của bé.