Các nhà nghiên cứu tại Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ đang thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine mới gọi là H1ssF_3928 có khả năng chống mọi chủng virus cúm.

Quá trình thử nghiệm giai đoạn một vaccine H1ssF_3928 đang được tiến hành tại Trung tâm Lâm sàng NIH ở Bethesda, bang Maryland (Mỹ). Các nhà khoa học sẽ kiểm tra mức độ an toàn của vaccine H1ssF_3928, và liệu nó có gây ra phản ứng miễn dịch cho các tình nguyện viên hay không.

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

“Bệnh cúm theo mùa là một thách thức đối với sức khỏe cộng đồng. Chúng ta liên tục phải đối mặt với khả năng xảy ra đại dịch cúm, do sự xuất hiện và lây lan của các loại virus cúm mới”, Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), cho biết. “Thử nghiệm lâm sàng vaccine H1ssF_3928 là một bước tiến lớn của chúng tôi nhằm phát triển một loại vaccine cúm chung (universal flu vaccine) có khả năng bảo vệ lâu dài cho tất cả mọi người.”

Có ít nhất 53 người trưởng thành khỏe mạnh từ 18 đến 70 tuổi sẽ tham gia cuộc thử nghiệm. Nhóm đầu tiên, bao gồm năm tình nguyện viên ở độ tuổi từ 18 đến 40, được tiêm một mũi duy nhất chứa 20 microgram vaccine H1ssF_3928. Các nhà khoa học chia những tình nguyện viên còn lại thành bốn nhóm [12 người mỗi nhóm]: 18 đến 40 tuổi, 41 đến 49 tuổi, 50 đến 59 tuổi và 60 đến 70 tuổi. Họ sẽ được tiêm chủng hai lần cách nhau 16 tuần, mỗi lần 60 microgram vaccine.

Sau khi tiêm, các tình nguyện viên sẽ ghi lại nhiệt độ và phản ứng nào cơ thể thông qua sổ nhật ký trong một tuần. Họ được yêu cầu tái khám và cung cấp mẫu máu vào những thời điểm khác nhau. Các nhà điều tra sẽ kiểm tra mẫu máu trong phòng thí nghiệm để xác định và đo mức kháng thể chống virus cúm. Quá trình thử nghiệm dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020.

Dựa vào kết quả thử nghiệm, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về phản ứng miễn dịch của những người tham gia sau khi được tiêm vaccine H1ssF_3928, tùy theo độ tuổi và khả năng tiếp xúc trước đó của họ với các biến thể virus cúm khác nhau.

Tại sao chúng ta rất khó chế tạo một loại vaccine cúm chung? Nếu bạn nhìn vào virus cúm dưới kính hiển vi, về cơ bản nó sẽ giống một quả bóng chứa nhiều gai nhọn. Những gai nhọn này chứa hai loại protein haemagglutinin và neuraminidase giúp virus tấn công vào các tế bào, khiến chúng ta nhiễm bệnh cúm. Hai loại protein haemagglutinin và neuraminidase trên bề mặt virus không ngừng thay đổi. Điều này khiến các nhà khoa học trước đây luôn phải chế tạo vaccine mới để nhắm mục tiêu vào chủng virus mới nhất. Do đó, người dân phải đi tiêm lại vaccine cúm mỗi năm.
Vaccine thử nghiệm H1ssF_3928 được thiết kế để giúp cơ thể tạo ra các phản ứng miễn dịch chống lại nhiều chủng virus cúm khác nhau. Nếu thành công, loại vaccine mới sẽ mang lại lợi ích sức khoẻ to lớn cho cộng đồng, giúp loại bỏ nhu cầu tiêm chủng hằng năm để phòng ngừa bệnh cúm theo mùa.

(Theo Tech Times)