Quan hệ hợp tác lâu năm là một trong những nền tảng quan trọng để triển khai các chương trình nghiên cứu KH&CN chung giữa Việt Nam và Thụy Sỹ.
Trong buổi tọa đàm giữa Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sỹ diễn ra ngày 10/7, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Guy Parmelin khẳng định việc thiết lập các chương trình nghiên cứu chung là điều quan trọng để thúc đẩy KH&CN và đổi mới sáng tạo của hai nước.
“Chúng tôi rất mong có thể hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam tăng cường năng lực nghiên cứu”, Bộ trưởng Guy Parmelin cho biết. Việc đẩy mạnh các chương trình hợp tác nghiên cứu chung với nhiều quốc gia trên thế giới là một trong những chính sách quan trọng giúp Thụy Sỹ trở thành quốc gia hàng đầu về KH&CN, nhiều năm liền dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Toàn cảnh tọa đàm. Nguồn: MOST.
Một trong những thuận lợi lớn nhất để triển khai các chương trình nghiên cứu chung là Việt Nam và Thụy Sỹ đã có sự hiểu biết lẫn nhau qua gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, cách đây 10 năm khi Việt Nam mới thành lập Quỹ phát triển KH&CN quốc gia Nafosted, Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ Thụy Sỹ, bao gồm việc hỗ trợ đào tạo cán bộ.
Theo ông Matthias Egger, Chủ tịch Quỹ nghiên cứu quốc gia Thụy Sỹ, hiện nay đang có rất nhiều chương trình trao đổi khoa học giữa các nhà nghiên cứu của hai nước. “Tuy nhiên, để tăng cường sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu hai bên, chúng tôi mong muốn xây dựng các chương trình hợp tác riêng cho các nhà nghiên cứu trong từng lĩnh vực cụ thể”, ông Matthias Egger bày tỏ.
Ông Matthias Egger cho biết, để đảm bảo việc triển khai hiệu quả các nghiên cứu chung, ngay từ đầu, tất cả đề án nghiên cứu sẽ được một hội đồng gồm các nhà khoa học Việt Nam và Thụy Sỹ cùng đánh giá. Trên cơ sở ý kiến tham vấn của hai bên, hội đồng sẽ quyết định có tài trợ hay không cho dự án / chương trình đó.
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Guy Parmelin đã thống nhất năm nội dung trao đổi về hợp tác KH&CN giữa hai bên, bao gồm:
1) Định hướng chiến lược thúc đẩy R&D và đổi mới sáng tạo;
2) Giải quyết các thách thức liên quan đến chuyển đổi số, rộng hơn là phát triển kinh tế số;
3) Quốc tế hóa giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Việt Nam;
4) Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ thông qua quỹ Natif, tập trung vào chuyển giao công nghệ;
5) Tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế độc lập đổi mới sáng tạo.
Thanh An