Bộ Y tế đã thông qua kết quả lâm sàng cho vắcxin phối hợp sởi rubella; Một nghiên cứu cho thấy làm việc 6 tiếng/ngày sẽ giúp tăng năng suất lao động,... là những tin tức đáng chú ý chiều 8/11.

Nông dân Đồng Tháp sáng chế thuyền năng lượng mặt trời

Ông Huỳnh Thiện Liêm (Tháp Mười, Đồng Tháp) vừa giới thiệu thuyền năng lượng với những cải tiến so với phiên bản ra mắt năm 2015. Ban đầu chiếc thuyền có thể chạy 30km liên tục trong 3 tiếng với vận tốc 8-12km/giờ. Sau khi cải tiến, thuyền đã tăng được vận tốc, dung lượng pin, thêm động cơ, chở thêm nhiều người.

Ông Liêm cho biết: “Năng lượng từ tấm pin cùng với bộ turbine nước nâng công suất điện hoạt động cho thuyền từ 40 lên 60%. Đây là cải tiến quan trọng mà thuyền cũ chưa có”.

Hiện ông Liêm đã bàn giao 6 chiếc thuyền chạy thử nghiệm ở Vườn quốc gia Tràm Chim và đã làm đơn đăng ký sáng chế với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ). (XEM THÊM)
Thuyền được cải tiến từ dạng một thân sang hai thân để chở được nhiều người hơn. Ảnh: Hoàng Phương.

Giảm lượng phân đạm nhưng đảm bảo năng suất cây lúa

Chiều 8/11, Sở Khoa học – Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp – phát triển nông thông Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học xác định lượng phân đạm, thống nhất quy trình phân đạm hợp lý cho cây lúa tại một số vùng trọng điểm sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Một số mô hình thử nghiệm tại Yên Thành, Hưng Nguyên và Thanh Chương cho thấy: Lượng phân đạm bón khác nhau có ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao cảu cây lúa. Lượng đạm bón càng nhiều thì cây càng cao, khả năng đẻ nhánh cao nhưng nhánh hữu hiệu thấp. Hội thảo kết luận, nếu giảm lượng đạm từ 2 - 2,25 kg/sào thì năng suất lúa vẫn đảm bảo, sâu bệnh giảm.(XEM THÊM)

Việt Nam sản xuất thành công vắcxin phối hợp sởi rubella

Ngày 8/11, Bộ Y tế thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng cho vắcxin phối hợp sởi-rubella (MR) do Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (Polyvac) sản xuất. Đây là vắcxin MR đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường Năng lực sản xuất Vắc xin phối hợp sởi-rubella” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ.

Trong thời gian tới, đơn vị sản xuất trên sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép lưu hành sản phẩm, để có thể cung cấp vắcxin MR cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam dự kiến từ năm 2017. (XEM THÊM)
Vắcxin phối hợp sởi-rubella. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đức: Trồng cây thủy canh bằng nước thải

Các nhà nghiên cứu Đức đang thử nghiệm việc tận dụng nước thải cho phương pháp thủy canh để tiết kiệm tối ưu nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp. Thông thường khi trồng cây bằng phương pháp thủy canh, cây không mọc lên từ đất mà hấp thụ chất dinh dưỡng có trong nước. Từ đó, các nhà nghiên cứu Đức đã nghĩ ra cách thực hiện thủy canh cho cây trồng bằng nước thải vì trong nước thải chứa nhiều chất dinh dưỡng hữu ích với cây trồng, qua đó tiết kiệm được một lượng đáng kể nước sinh hoạt.

GS. Thomas Dockhorn -Viện Kỹ thuật môi trường, Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Braunschweig, người đứng đầu dự án, cho biết quan trọng nhất là quá trình xử lý nước thải để tạo ra dưỡng chất tối ưu cho cây, điều đó có nghĩa là phải khử kim loại nặng, các mầm bệnh và các chất độc hại khác trong nước thải trước khi đưa vào sử dụng. (XEM THÊM)

Ý tưởng chế tạo robot có thể tự học như trẻ em

Nhóm nghiên cứu Goal Robots, Italy đang triển khai dự án chế tạo robot thế hệ mới có thể tự xây dựng mục tiêu, kinh nghiệm và bắt chước quá trình học tập của con người. Họ hy vọng robot sẽ phát triển và tự học từ đầu, giống một đứa trẻ mới sinh.

Goal Robots sẽ mở đường cho thế hệ robot sở hữu bước đột phá về chất lượng và khả năng tự học. Tính hiếu kỳ chính là yếu tố tác động tới con robot, cho phép chúng nhận dạng những cái mới và tìm hiểu nó. Nhóm chế tạo đang hợp tác cùng với các nhà nghiên cứu trên khắp châu Âu và hy vọng hoàn thành robot tự học đầu tiên vào năm 2020. (XEM THÊM)

Thế hệ robot mới có thể tự học như trẻ nhỏ. Ảnh minh họa: Cold Fusion/ Youtube.

Thiết bị giúp điện thoại xác định ung thư chính xác đến 99%

Các nhà nghiên cứu của ĐH Washington (Mỹ) đã phát triển một máy quang phổ cầm tay có thể gắn vào điện thoại thông minh giúp phát hiện bệnh ung thư với độ chính xác lên đến 99%. Bên cạnh đó, nó còn có khả năng phát hiện thêm nhiều loại bệnh nguy hiểm khác. Bằng cách phân tích sự phối trộn của các hóa chất trong các mẫu mô, thiết bị này có thể phát hiện một loại dấu ấn sinh học có tên là interleukin 6 (IL-6). Chất này có liên quan chặt chẽ đến phổi, tuyến tiền liệt, gan, vú, và ung thư da.

Máy có thể xử lý cùng một lúc 8 mẫu mô. Vì thế, nó sẽ trở thành một trở thủ đắc lực của các bác sĩ ở những vùng sâu vùng xa, nơi mà điều kiện y tế còn nghèo nàn thiếu thốn. (XEM THÊM)
Hình ảnh thực tế của máy đọc phổ smartphone. Nguồn ảnh: Đại học Washington

Đà Nẵng sẽ có xe chuyên dùng test thực phẩm ở nhà hàng, quán ăn,…

Theo Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, sắp tới Đà Nẵng sẽ có 4 xe chuyên dụng hiện đại để kiểm tra nhanh an toàn thực phẩm. Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố sớm liên hệ với đối tác ở Mỹ để tiến hành đặt xe chuyên dùng test nhanh thực phẩm. Được biết, nguồn mua xe của Đà Nẵng được 3 đơn vị tài trợ do Bí thư Nguyễn Xuân Anh kêu gọi trước đó. Sau khi vào hoạt động, 4 xe chuyên dùng loại này có thể triển khai lấy mẫu và test nhanh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn, chợ… Đà Nẵng là địa phương thứ 2 triển khai việc test thực phẩm tại nhà hàng, quán ăn bằng xe chuyên dùng. (XEM THÊM)

Năng suất lao động tăng khi nhân viên chỉ làm việc 6 tiếng mỗi ngày

Các nghiên cứu cho thấy năng suất lao động của con người tăng cao nhất khi thời gian làm việc giảm xuống. Để đưa ra kết luận này, một cuộc thử nghiệm kéo dài 22 tháng đã được thực hiện tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Svartedalen, Thụy Điển với 68 y tá đang làm việc 6 tiếng một ngày. Kết quả cho thấy nhóm nghiên cứu theo dõi sức khỏe và hiệu suất lao động của họ tương tự với nhóm làm việc 38 tiếng/tuần.

Vì thế, việc giảm thời gian làm việc có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe và tâm trạng của người lao động, từ đó khiến họ làm việc hiệu quả hơn. Giả thuyết này đang được thử nghiệm tại Thụy Điển với kết quả rất triển vọng. (XEM THÊM)


Y tá ở Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Svartedalen làm việc hiệu quả hơn với chế độ 6 tiếng một ngày. Ảnh: Daniel Breece.