Theo TS Vũ Thành Tự Anh, chính phủ nên xem xét việc bỏ bớt các nhóm ngành ưu tiên để tránh đầu tư dài trải trong điều kiện năng lực còn hữu hạn. Những ngành nên được tập trung đầu có thể kể tới dệt may, giày da, chế biến tôm và cá basa,...
Sáng 10/3, hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã được tổ chức bởi Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công thương.
Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc hội thảo.
Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết: “Trong 10 năm qua (2006-2015), tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần, với tỷ trọng GDP công nghiệp khoảng 31-32%/tổng GDP cả nước. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của nền kinh tế nước ta, bình quân kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu nền kinh tế đất nước”.
Dù là ngành đóng góp GDP cao nhất cả nước nhưng ngành công nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như tăng trưởng thiếu bền vững, chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, nội lực của nền công nghiệp còn yếu.
“Tăng trưởng sản xuất công nghiệp phụ thuộc khá lớn vào tăng trưởng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đang tập trung các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều lao động giá rẻ, ít ngành công nghệ cao, thâm dụng công nghệ. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp vẫn nhờ vào mở rộng quy mô những ngành sử dụng nhiều lao động, còn ít các ngành công nghiệp công nghệ cao” – ông Nguyễn Văn Bình chỉ rõ.
Để có chính sách công nghiệp đúng đắn, tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới, TS Vũ Thành Tự Anh - Trường ĐH Fulbright Việt Nam - bày tỏ: “Trong hàng chục năm qua, Việt Nam lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên là đúng đắn. Với lợi thế của nước đi sau và còn khiếm khuyết, rào cản về nguồn lực, công nghiệp ưu tiên là lối tắt để đi đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà không phải trải qua các bước đi trước hay trả giá quá đắt”. Tuy nhiên, ông Tự Anh cũng cho rằng, công nghiệp ưu tiên ở Việt Nam đang giống như quả mít, “khi tất cả đều là mũi nhọn thì không có gì là mũi nhọn cả”.
Phân tích nhóm ngành xi măng, đường, thép xây dựng, xuất khẩu ôtô, TS Vũ Thành Tự Anh cho biết: "Các ngành này đều thất bại bởi không dựa vào lợi thế so sánh sẵn có của Việt Nam, không bị cạnh tranh và được nhà nước bảo hộ. Đến thời điểm này, chúng ta vẫn nhập 22 triệu tấn thép từ Trung Quốc và giá thép vẫn cao hơn so với Trung Quốc vài chục phần trăm. Hay như chip điện tử của Intel, máy ảnh của Canon, điện thoại di động của Samsung,... dẫu có thành công thì cũng đều đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Họ dựa vào năng lực cạnh tranh, lợi thế so sánh của Việt Nam như nhân công, đất đai rẻ, khuyến khích về mặt tài chính. Dù mỗi năm, Intel, Samsung,... xuất khẩu hàng chục tỷ đôla, đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng thực tế là Việt Nam mới chỉ tham gia ở khâu gia công, lắp ráp”.
Theo ông Tự Anh, những câu chuyện của Intel, Samsung mới chỉ thành công ở mặt hình thức. Các tập đoàn này vẫn chưa tạo ra được sự lan tỏa về mặt công nghệ và những giá trị cốt lõi để tạo ra cụm ngành điện tử, làm gia tăng giá trị cho sản phẩm ở Việt Nam.
Đưa ra một hướng đi được cho là “thú vị” và thành công của Việt Nam, ông Tự Anh nêu đến nhóm ngành dệt may, da giày, chế biến tôm và cá basa. Đánh giá về nhóm ngành này, ông rằng: “Nhóm ngành này thành công nhờ dựa vào lợi thế so sánh của Việt Nam, không được bảo hộ của nhà nước và có sự cạnh tranh quyết liệt để tạo ra được vị thế trên thị trường. Hầu hết, các ngành này xuất phát từ các doanh nghiệp vừa, với quy mô đầu tư không lớn. Đây sẽ là điển hình cho sự phát triển và tương lai của công nghiệp Việt Nam".
Từ những kinh nghiệm của Việt Nam và bài học thành công của các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc,... TS Vũ Thành Tự Anh nêu quan điểm: “Chính phủ nên cắt giảm một loạt các sản phẩm ưu tiên, chỉ nên tập trung vào những ngành có năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển để không phải dàn trải năng lực vốn đã hữu hạn. Chính sách ưu tiên với các ngành cần phải có thời hạn và kết quả. Ví dụ như trong thời gian từ 5-7 năm, ngành phải tạo ra được năng lực cạnh tranh, nâng cấp được công nghệ và phải xuất khẩu được. Chính phủ cũng không được ưu đãi, hỗ trợ vô điều kiện cho các doanh nghiệp mà chỉ có doanh nghiệp chiến thắng trên thị trường mới xứng đáng nhận được hỗ trợ hoặc ưu đãi để phát triển hơn nữa”.