"Công nghệ ở các nhà máy nhiệt điện than Việt Nam luôn được cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp, ngang tầm thế giới" - ông Phương Hoàng Kim - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương cho biết tại Hội thảo công nghệ nhiệt điện than và môi trường ngày 3/3.

Tại hội thảo được Bộ Công thương tổ chức tại TPHCM này, PGS-TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam - cũng cho biết, công nghệ sản xuất điện và xử lý phát thải ra môi trường của các nhà máy nhiệt điện than (NĐT) Việt Nam thường là những công nghệ hiện đại, ngang tầm thế giới với hiệu suất, mức độ tự động hóa cao, đồng bộ, tập trung và tin cậy về độ an toàn.

"Đối với các chất phát thải độc hại, nếu được xử lý nghiêm túc với công nghệ hiện đại thì sẽ không ảnh hưởng đến môi trường. Mức độ hiện đại của thế giới như thế nào thì ở Việt Nam cũng có thể có như vậy" - PGS Nghĩa đánh giá.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Từ thực tế 19 nhà máy NĐT của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, bà Lê Thị Ngọc Quỳnh cho biết, tất cả các nhà máy NĐT đều có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt… Sau khi làm mát, bình ngưng của tuabin hơi được dẫn trong kênh tuần hoàn hở có chiều dài đủ để đưa nhiệt độ nước về dưới mức quy định của QCVN. Tro xỉ ở một số nhà máy đã có đối tác tiêu thụ hầu hết, phần còn lại được xử lý, theo dõi bằng cách lắp camera giám sát, phun nước tự động để hạn chế sự phát tán bụi…

Ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam - cho biết, các nhà máy NĐT của tổng công ty luôn áp dụng, tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới. "Các thông số môi trường online được kết nối với các sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để giám sát thường xuyên, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường quy định. Mỗi tháng một lần, tất cả các nhà máy NĐT đều sẵn sàng mở cửa cho người dân vào tham quan hoặc tìm hiểu" – ông Tài Anh chia sẻ.

PGS-TS Trương Duy Nghĩa cho biết thêm, trong các loại nhiên liệu hữu cơ, than có dự trữ lớn nhất, còn đủ dùng cho nhân loại khoảng 300 năm nữa. Giá than cũng rẻ nhất, thời gian xây dựngnhà máy NĐT không quá lâu (khoảng 3 năm) và không quá lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện. Do giá thành sản xuất điện than chỉ thấp hơn thủy điện nên khi đã khai thác hết nguồn thủy năng, các nước đều chuyển sang phát triển NĐT và đây là nguồn sản xuất điện năng chủ yếu của thế giới.

PGS. Nghĩa đưa ra dẫn chứng, Hàn Quốc có trữ lượng than trong nước rất ít, nguồn than chủ yếu là nhập khẩu, NĐT vẫn chiếm tỷ lệ cao, điện tái tạo rất ít. Austraila, Ấn Độ, Trung Quốc là những nước có tỷ lệ NĐT lớn trên thế giới. Tuy nhiên, PGS Nghĩa cũng thừa nhận, NĐT là nguồn phát thải lớn ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn và khí; chi phí đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém. Ngoài ra, NĐT chiếm nhiều diện tích xây dựng nhà máy, bãi chứa tro xỉ, nhu cầu làm mát rất lớn (80m3/s cho một nhà máy điện 1.200MW), nên cần đặt gần sông có lưu lượng lớn hoặc ven biển. Vì vậy, nhà nước cần tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý.