Ngày 9/7, Tổng cục Du lịch đã công bố ấn phẩm “Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2018” đồng thời công bố tình hình du lịch 6 tháng đầu năm 2019, theo đó
theo đó Việt Nam đón xấp xỉ 8,5 triệu lượt khách quốc tế và tổng thu đạt 338.200 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018).
Du lịch vẫn trên đà tăng
“Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam” là một ấn phẩm hàng năm, được phát hành lần đầu tiên năm 2016, nhằm cung cấp thông tin các chỉ tiêu, số liệu chủ yếu ngành du lịch Việt Nam như số lượng khách quốc tế đến, khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch, đóng góp của du lịch trong GDP, các hoạt động chuyên ngành lữ hành và vận tải khách du lịch, lưu trú du lịch, xúc tiến du lịch, hợp tác quốc tế, xây dựng thể chế, chính sách.
Trong báo cáo lần này, dự báo năm 2019 có triển vọng khách du lịch quốc tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 3%-4%; Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng khoảng 5%-6% và du lịch Việt Nam vẫn có thể có mức tăng cao hơn quốc tế nhưng sẽ thấp hơn so với các năm trước.
Lý giải điều này, báo cáo cho rằng quy mô khách du lịch của Việt Nam đã tăng cao liên tục trong 3 năm và khó có thể duy trì tốc độ nhanh như trên trong tương lai.
Tuy vậy, ngành du lịch vẫn là một trong những định hướng phát triển chính của đất nước và được tiếp tục mở rộng thông qua nhiều chương trình toàn quốc và địa phương.
Kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2019
Cũng trong buổi họp báo ngày 9/7, Tổng cục Du lịch cho biết 6 tháng đầu năm 2019 khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 8,5 triệu lượt (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018); tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018).
Một số sự kiện nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2019 đã góp phần vào kết quả trên như: Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2019 với hơn 50 sự kiện do Việt Nam chủ trì hoặc phối hợp; Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức tại Fà Nội thu hút sự chú ý của các giới chức, quan sát viên, phóng viên quốc tế; tổ chức 6 hội chợ du lịch quốc tế; 8 roadshow tại các nước ASEAN, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và mở văn phòng đại diện xúc tiến du lịch đầu tiên tại Hàn Quốc theo mô hình liên kết công-tư.
Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành du lịch triển khai 4 đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nâng cao hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Hiện nay, Tổng cục Du lịch đã hoàn thiện và báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ 2 đề án “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Dự kiến, đến hết năm 2019, sẽ có thêm 6 đề án được hoàn thành, bao gồm: Kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các tỉnh biên giới phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Đề án liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch; Đề án khai thác và phát huy các giá trị, di sản văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển du lịch; Quy chế quản lý condotel.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố ngày càng chủ động xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch địa phương, gắn với liên kết vùng, liên tỉnh. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng (hệ thống đường cao tốc, cảng biển, sân bay) đưa vào khai thác.
Theo đánh giá, các hiệp hội du lịch và cộng đồng doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ khách trong nước và quốc tế.
Mục tiêu trong 6 tháng cuối năm 2019, du lịch Việt Nam phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu cả năm đón, phục vụ khoảng 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa và tổng doanh thu đạt 700.000 tỷ đồng.