Xuất phát từ chính nhu cầu cá nhân làm sao có thể đi lại nhanh nhất và tiện lợi nhất bằng xe buýt, Lê Yên Thanh (sinh viên năm 4, khoa Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM) đã sáng tạo ra phần mềm ứng dụng Busmap với nhiều tiện ích thiết thực.
Phần mềm ứng dụng tìm đường đi bằng xe buýt của Thanh cung cấp nhiều tiện ích hữu hiệu, giúp người sử dụng dễ dàng dò tìm thông tin đi lại bằng điện thoại có cài đặt phần mềm miễn phí này. Phần mềm cung cấp các gói về lộ trình của từng tuyến xe, biểu đồ giờ, hướng đi cũng như thời gian, khoảng cách thực tế theo thời gian thực cùng bản đồ trực quan hiển thị trên màn hình.
Với nhiều hướng đi, tùy mỗi tuyến buýt, phần mềm sẽ hiển thị thông tin cụ thể của từng tuyến (hướng đi, khoảng cách, thời gian chờ…), từ đó người dùng sẽ quyết định chọn cho mình tuyến xe/hướng đi tối ưu nhất giúp rút ngắn hành trình và thời gian đi lại.
Thanh cho biết, mới đây, Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (thuộc Sở GTVT TPHCM) đã chuyển giao và đồng bộ dữ liệu hệ thống xe buýt thành phố nên phần mềm sẽ đưa ra thông tin giờ giấc hoạt động, lộ trình tuyến và cả khoảng cách thực tế mang tính chính xác khá cao. Những thay đổi về giờ giấc xuất bến hay thay đổi lộ trình xe chạy đều được cập nhật kịp thời từ kho dữ liệu thông tin của Sở GTVT. Vì hoạt động trực tuyến theo thời gian thực, người dùng có thể nắm bắt gần như chính xác tuyệt đối khoảng thời gian (tính bằng giây) xe buýt dừng đỗ, theo đó, mỗi người dân đều có thể biết được thời điểm lên, xuống trạm, giúp người đi đường có thể an tâm kiểm soát lộ trình đi lại của mình.
Nổi bật ở Busmap là dù điện thoại di động không có kết nối internet (hoạt động ngoại tuyến, offline) thì người dùng vẫn có thể tìm kiếm đường đi của xe buýt cũng như truy cập các chức năng của phần mềm dựa trên hoạt động ở lần gần nhất trước đó. Đây cũng là ưu điểm của ứng dụng mang trí tuệ Việt so với ứng dụng bản đồ Google map (chỉ hoạt động khi thiết bị được kết nối internet). “Hiện chỉ chờ Sở GTVT cung cấp (máy chủ) nữa là có thể thiết lập tính năng gửi báo cáo hành trình tuyến xe buýt về Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng”- Thanh nói. Theo Thanh với tính năng này, người sử dụng xe buýt khi phát hiện các tài xế có hành vi lái xe ẩu hoặc vi phạm quy định an toàn thì có thể chụp lại và gửi về Trung tâm.
Không chỉ phục vụ nhu cầu đi xe buýt trên địa bàn TPHCM, phần mềm có sự hỗ trợ của dữ liệu xe buýt Hà Nội nên cũng sẽ giúp người dân thủ đô Hà Nội tiện lợi hơn trong việc đi lại bằng phương tiện công cộng.
Chàng trai “vàng”của những cuộc thi
“Một số lần đi đây đi đó trong địa bàn thành phố bằng xe buýt, em muốn làm sao để bắt được chuyến xe đi tiện nhất, nhanh nhất nên mới làm ra phần mềm này”, Thanh chia sẻ.
Khi còn là cậu sinh viên năm thứ nhất, Thanh đã mạnh dạn đăng ký môn học Lập trình ứng dụng di động trên Windows phone - là học phần của năm thứ ba. Với những kiến thức học hỏi sớm được từ môn này, cùng với sự hướng dẫn của thầy và sự chung tay ban đầu từ bạn, Thanh đã hoàn thành phần mềm ứng dụng phục vụ nhu cầu đi xe buýt – cũng là đồ án môn học của mình.
Thấy đây là ứng dụng xuất sắc, thầy dạy đã khuyên Thanh gửi đi thi. Và phần mềm Busmap đã đem về cho Thanh giải nhất tại hội thi Tin học trẻ TPHCM hồi hè năm 2013. Cũng trong năm 2013, Thanh lại tiếp tục được vinh danh khi đoạt giải nhất tại Festival sáng tạo trẻ toàn quốc dành cho sinh viên yêu thích công nghệ sau khi nâng cấp và hoàn thiện phần mềm này. Dường như là một ứng dụng thiết thực, lại bén duyên với giải vàng, Busmap một lần nữa đem về ngôi vị cao nhất cho Thanh tại cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động toàn quốc trong năm 2014.
Không dừng lại ở những tính năng hiện có, Yên Thanh cho biết sẽ tiếp tục cải tiến để hoàn thiện phần mềm, giúp người dùng vận hành hiệu quả hơn cũng như hướng đến phục vụ rộng rãi trên nhiều thiết bị sử dụng. Hiện nay, phần mềm chạy ổn định trên hệ điều hành Android (CH Play) và sắp đưa vào chạy trên nền tảng Windows phone cũng như mục tiêu sẽ phát hành trên hệ thống iOS (dành cho các thiết bị iPad, iPhone).
Yêu thích công nghệ từ hồi nhỏ, dù không có được điều kiện và sự chỉ dẫn, Lê Yên Thanh tự mày mò, tìm hiểu nhiều kiến thức về công nghệ thông tin và từ đó bén duyên với nhiều giải thưởng từ khi là cậu học trò cấp 2, cấp 3.
Khi còn là học sinh cấp 2, Thanh đã ẵm về giải thưởng từ cuộc thi tin học cấp tỉnh. Khi lên học cấp 3 tại trường chuyên Thoại Ngọc Hầu, Thanh tiếp tục với đam mê của mình bằng việc sáng tạo nên những ứng dụng thiết thực, phục vụ cho việc quản lý thư viện hoặc quản lý tuyển sinh của trường…