Không chỉ có các công ty phần mềm, Việt Nam cũng đã có công ty tích hợp giải pháp, và đã thực hiện các giải pháp giao thông thông minh.

Tình trạng kẹt xe hiện diễn ra khắp nơi ở TP.HCM. Để giải quyết được tình trạng này không hề dễ dàng, đều là các bài toán lớn. Tuy vậy, khác với cách nay 20 năm nền công nghệ còn hoang sơ, tiềm năng hạn chế, hiện nay Việt Nam đã có đủ điều kiện và nguồn lực để tham gia xây dựng trực tiếp các ứng dụng phục vụ nền tảng giao thông thông minh, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM – nói trong một sự kiện chuẩn bị cho Hội thảo Toàn cảnh Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam vừa được tổ chức vào ngày 18/9.

Giao thông thông minh sẽ làm giảm tình trạng kẹt xe? - Ảnh: H.Đ

Ông Dũng cho rằng, Việt Nam hiện nay không chỉ có các công ty phần mềm mà còn có các công ty tích hợp giải pháp, đồng thời có đủ giải pháp hạ tầng để làm giao thông thông minh. Hiện nay để giải quyết vấn đề giao thông tốt hơn, có vài địa phương đã triển khai các giải pháp trên quốc lộ và trong đường hầm. Ví dụ tại các trục đường ở TP.HCM đều gắn camera giao thông, nhằm giám sát an ninh trật tự lẫn giám sát giao thông, và dựa vào lượng camera này có thể tư vấn cho người dân đường đi, giờ đi để có lộ trình phù hợp. Các giải pháp này giúp giao thông an toàn hơn, thông thoáng hơn.

Đặc biệt tại TP.HCM vần đề liên quan đến giao thông thông minh rất được quan tâm, vì đây là một nền tảng của thành phố thông minh. Ông Dũng lấy ví dụ Ấn Độ đã có khoảng 100 thành phố đang muốn tiến lên thành phố thông minh, trong khi Singapore đã có nhiều bước tiến và trở thành một điển hình trong phát triển thành phố thông minh. Tại Việt Nam, Đà Nẵng và Hạ Long đã đăng ký để hướng đến xây dựng thành phố thông minh.

Và đã đến lúc để đẩy nhanh vấn đề giao thông thông minh do những lợi ích của nó, chẳng hạn có thể ứng dụng các giải pháp thu vé điện tử cho xe buýt, hoặc lắp camera trên các trục đường để giám sát giao thông. Bên cạnh đó, hiện nhiều quy chuẩn, quy định là nền tảng pháp lý cũng như điều kiện ứng dụng giao thông thông minh đã được Bộ giao thông Vận tải ban hành.

Dẫn trường hợp của Uber và GrabTaxi, ông Dũng khẳng định, các ứng dụng này “hết sức quan trọng và có ý nghĩa”, vì nó cho phép người dân biết được lộ trình, giá cước, tài xế của mỗi chuyến gọi taxi. Thay vì ồn ào tranh cãi về Uber, GrabTaxi thì các hãng taxi nên bàn cách tham gia thế nào vào ngành kinh doanh taxi đã có yếu tố biến chuyển. Và theo ông, những ứng dụng này có lợi cho người dân, do đó Nhà nước sẽ đi theo chứ không phải “quản lý đến đâu cho làm đến đó”.

Nói về vấn đề này, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Trí Nam chia sẻ, không chỉ Việt Nam mà còn rất nhiều nước trên thế giới chỉ mới bắt đầu triển khai hệ thống điều khiển giao thông thông minh (ITS). Bài toán khó nhất trong ITS, theo ông Dân, là chính sách nhà nước và cần có những bộ quy chuẩn do cơ quan nhà nước ban hành để các doanh nghiệp đi vào ITS tuân theo.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Thắng – Phó Tổng giám đốc công ty Sao Bắc Đẩu cũng cho rằng nhà nước, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, người dân phải chung tay và có quyết tâm mới thực hiện được giao thông thông minh.

Hầu hết các chuyên gia phát biểu trước thềm Hội thảo Toàn cảnh Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam (sẽ diễn ra hôm 24/9/2015) đều nhận định, TP.HCM có nhiều điều kiện để triển khai giao thông thông minh đầu tiên, sau đó đến Hà Nội, Đà Nẵng.