Bệnh xoắn khuẩn vàng da gây ra hàng loạt triệu chứng như sốt cao, đau đầu dữ dội, ớn lạnh, đau cơ và nôn mửa, có thể bao gồm cả bệnh vàng da, đỏ mắt, đau bụng hoặc phát ban. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể bị tổn thương thận, viêm màng não (viêm màng xung quanh não và tủy sống), suy gan, suy hô hấp và có thể tử vong.

f
Xoắn khuẩn Leptospira spp. Ảnh: Wikipedia

Nguyên nhân nhiễm xoắn khuẩn vàng da là do tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu, mô và máu của súc vật, động vật gặm nhấm bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp với đất và nước nhiễm xoắn khuẩn Leptospira spp.

Tuy nhiên, bệnh thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như sốt xuất huyết, sốt mò và bệnh chikungunya. Do đó, số ca được ghi nhận mắc xoắn khuẩn vàng da trên toàn thế giới còn rất thấp so với thực tế.

Hằng năm, trên thế giới có 1,03 triệu trường hợp mắc xoắn khuẩn vàng da với 58.900 trường hợp tử vong. Theo các nhà khoa học, Đông Nam Á là một trong những khu vực có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất, trong đó Việt Nam được xếp vào nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh. Một báo cáo tổng hợp dữ liệu tại bệnh viện cho thấy trong giai đoạn 1993-2001, tỷ lệ nhiễm xoắn khuẩn vàng da ở các bệnh nhân là 2-8%. Tuy nhiên, theo Niên giám thống kê bệnh truyền nhiễm từ 2014-2018, mỗi năm tại Việt Nam không có hoặc chỉ có ít hơn 20 trường hợp ghi nhận mắc xoắn khuẩn vàng da.

g
Trong vòng 8 tháng đầu năm 2019, Phillipines ghi nhận 113 trường hợp tử vong do bệnh xoắn khuẩn vàng da. Ảnh: Rappler

Với mong muốn xác định tỷ lệ mắc bệnh ở người tại 3 vùng địa lý và khí hậu khác nhau của Việt Nam, các nhà khoa học tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương mới đây đã tiến hành khảo sát 3.815 bệnh nhân nghi ngờ mắc xoắn khuẩn vàng da tại 11 bệnh viện ở ba tỉnh Thái Bình, Hà Tĩnh và Cần Thơ. Các nhà khoa học xác định các bệnh nhân có sốt hoặc tiền sử sốt trong 5 ngày trước khi thực hiện nghiên cứu, hoặc mắc ít nhất hai trong số các tình trạng: đau cơ, nhức đầu, vàng da và kết mạc ửng đỏ. Bên cạnh đó, các bệnh nhân cũng cung cấp thông tin nhân khẩu học, tiền sử bệnh và khả năng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ lấy một cặp mẫu huyết thanh của bệnh nhân.

Kết quả cho thấy có 68 trường hợp (1,8%) mắc xoắn khuẩn vàng da, 248 trường hợp (6,5%) có khả năng mắc. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã tìm thấy 20 biến thể huyết thanh nhiễm khuẩn khác nhau, trong đó nhiều nhất là Wolffi (14,2%), Hebdomadis (13,8%) và Icterohaemorrhagiae (12,6%). Điều này cho thấy tỷ lệ huyết thanh nhiễm Leptospira khá cao và đa dạng lưu hành ở cả ba vùng khảo sát.

Trong số 20 biến thể huyết thanh, có 17 huyết thanh được phát hiện ở Hà Tĩnh, 16 ở Thái Bình và 12 ở Cần Thơ. Hầu hết tất cả các trường hợp mắc và nghi mắc đều có biểu hiện nhức đầu (97,8%), sốt cao (97%), và đau cơ (92,4%), trong khi các triệu chứng điển hình của bệnh leptospirosis như vàng da (14,6%) và kết mạc (18,4%) ít được ghi nhận hơn. Khoảng một phần ba đến gần một nửa trong số các bệnh nhân bị ho (47,5%), đau khớp (42,7%), buồn nôn (36,7%) và ớn lạnh (32%). Nhóm nghiên cứu không ghi nhân bất cứ trường hợp tử vong nào.

Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh và có thể mắc bệnh giữa nữ và nam là 1,4 : 1. Các ca bệnh phần lớn là nông dân, nuôi thú cưng hoặc chăn nuôi gia súc, trong độ tuổi lao động, thường lội bùn, đi chân đất hoặc tiếp xúc với lượng mưa lớn. Tuy nhiên, 53,5% số ca mắc ở Thái Bình và 83,2% số ca mắc ở Hà Tĩnh là nông dân, trong khi nhóm nghề này chỉ chiếm 29,1% ở Cần Thơ.

Theo nhóm nghiên cứu, “kết quả cho thấy tỷ lệ huyết thanh nhiễm xoắn khuẩn vàng da khá cao và lưu hành đa dạng ở tất cả các vùng địa lý được nghiên cứu ở Việt Nam”, do đó “cần có các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt là ở các nhóm nguy cơ cao” tại Việt Nam.

Các nhà khoa học đã công bố kết quả trên tạp chí International Journal of Infectious Diseases. Đây là nghiên cứu đầu tiên về tỷ lệ lưu hành huyết thanh của bệnh xoắn khuẩn vàng da ở người và đặc điểm dịch tễ học của nó ở ba vùng địa lý và khí hậu khác nhau của Việt Nam.

Nguồn: