Hàng loạt vụ tấn công khủng bố vào các nhà thờ tại Sri Lanka đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và ít nhất 450 người bị thương.
Nhằm ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch và ngôn ngữ kích động có thể khiến tình hình bạo lực gia tăng, Chính phủ Sri Lanka đã hạn chế quyền truy cập vào các trang mạng xã hội lớn và ứng dụng tin nhắn như Facebook, Messenger, Instagram, WhatsApp, Viber và YouTube.
Hiện chưa rõ khi nào lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ. Năm ngoái, Sri Lanka cũng từng chặn mạng xã hội sau khi các nội dung kêu gọi chống lại cộng đồng người Hồi giáo, kích động bạo loạn bị lan truyền trên Facebook.
Mặc dù các mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube,... cho biết họ đang có những biện pháp nhằm ngăn chặn thông tin độc hại, sai sự thật, nhưng rõ ràng là vẫn chưa thể đáng tin cậy, và Sri Lanka cũng không “liều” để phó mặc sự an toàn vào các biện pháp này.
Có thể lấy ví dụ là vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại New Zealand ngày 15/3 vừa qua, khi các đoạn clip trực tiếp ghi lại vụ xả súng không ngừng được chia sẻ trên Facebook, Google và Twitter, bất chấp nỗ lực ngăn cản và loại bỏ của các trang mạng này.
Quốc Hùng (Theo Nytimes)