Ngày 25/4, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN phối hợp với Sở KH&CN thành phố Hải Phòng đưa vào vận hành Điểm kết nối cung - cầu công nghệ thứ 8 trên cả nước, đặt tại Hải Phòng, có mục tiêu đáp ứng nhu cầu công nghệ cho doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng.

Lễ cắt băng khánh thành Điểm kết nối cung - cầu công nghệ Hải Phòng.

Điểm kết nối cung cầu công nghệ đặt tại Hải Phòng, tương tự như 7 Điểm kết nối trước đó được thành lập từ năm 2017 ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước có chức năng tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm công nghệ theo nhu cầu. Hoạt động chính của Điểm kết nối sẽ là (i) cung cấp thông tin về cung cầu công nghệ, kết nối doanh nghiệp với 500 chuyên gia tư vấn trong nhiều lĩnh vực, (ii) kết nối giữa bên cung cấp công nghệ và bên tìm kiếm công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và (iii) trưng bày, giới thiệu các công nghệ (từ doanh nghiệp, viện trường).

“Điểm kết nối cung cầu công nghệ tại TP Hải Phòng sẽ phục vụ cho hoạt động tư vấn, hợp tác ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và bền vững cho vùng đồng bằng sông Hồng”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ cắt băng khánh thành Điểm kết nối cung cầu công nghệ tại Hải Phòng. Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong vùng tăng cường phối hợp với các nhà khoa học và viện nghiên cứu trong việc tìm kiếm và chuyển giao công nghệ.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tạiLễ cắt băng khánh thành Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng đồng bằng sông Hồng.

Tại sự kiện, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hải Phòng, bà Đào Thị Kim Ngân cho biết, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay sử dụng công nghệ lạc hậu và cũng cảm thấy cần phải đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hải Phòng cũng cập nhật được thông tin rằng, việc sử dụng nguyên liệu và công nghệ Trung Quốc như hiện nay, sẽ là bất lợi lớn với họ khi tham gia CPTPP do mức thuế ưu đãi chỉ áp dụng với sản phẩm sử dụng nguyên liệu trong khối các nước ký kết.

Doanh nghiệp mong muốn đổi mới công nghệ, nhưng đang gặp vướng mắc ở chỗ (i) khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn đều ngắn hạn; (ii) doanh nghiệp cũng không biết được hết tình hình công nghệ (mà mình đang cần) trong, ngoài nước như thế nào để chọn hướng đi phù hợp. Do vậy, bà Ngân hy vọng Điểm kết nối cung - cầu công nghệ lần này sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu, mạng lưới các chuyên gia tư vấn công nghệ cho doanh nghiệp. Mặt khác, bà cũng đề nghị các cơ quan quản lý khoa học truyền thông thêm các thông tin về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Bà Đào Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hải Phòng cho biết doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đổi mới công nghệ nhưng còn đang thiếu thông tin về công nghệ và thiếu nguồn vốn.

Trong khu vực triển lãm tại sự kiện, một số doanh nghiệp cũng giới thiệu công nghệ và sản phẩm của mình:

Công ty CP xi măng Tân Phú Xuân tại Hải Phòng giới thiệu mô hình công nghệ của mình. Công ty này đã hai lần "sống sót" qua các biến động thị trường nhờ cải cách công nghệ sản xuất clinker lò đứng năm 2008 và chuyển sang ứng dụng công nghệ clinker lò quay năm 2012.


Công ty TNHH sản xuất và thương mại GPC tại Hải Phòng mang máy in 3D tới chào bán trong khu vực triển lãm của sự kiện. Doanh nghiệp này hi vọng, thông qua cổng kết nối cung cầ
u này, sẽ có nhiều khách hàng biết tới sản phẩm của công ty và đặt mua.

Viện Nghiên cứu Hải sản giới thiệu thiết bị và công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương.Viện Nghiên cứu Hải sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giới thiệu thiết bị và công nghệ tạo khí nano nitơ bảo quản cá ngừ đại dương.

Trước đó, cả nước đã có 07 Điểm kết nối cung - cầu công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội (2 điểm), các tỉnh Phú Yên, Nghệ An, Đăk Lăk và TP. Cần Thơ. Mặc dù một số Điểm mới thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 nhưng đã thực hiện hiệu quả trong việc xúc tiến chuyển giao công nghệ, cụ thể: đã tổ chức gần 80 lượt tư vấn, tọa đàm, kết nối cung - cầu, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan; giới thiệu và trình diễn gần 200 sản phẩm KH&CN, ký kết thành công nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng giá trị hàng tỷ đồng, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Trung tâm ứng dụng; đồng thời đã kết nối với các chuyên gia của Hàn Quốc đào tạo, cấp chứng nhận điều phối viên về chuyển giao công nghệ cho 20 học viên của Việt Nam.