Lượng chất thải nhựa toàn cầu có nguy cơ sẽ "chất thành núi" vào năm 2030 sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác từ các nước khác.
Ước tính đến năm 2030, thế giới sẽ thải ra khoảng 111 triệu tấn chai nhựa, hộp đựng thức ăn và các loại rác thải nhựa khác. Số lượng rác thải nhựa khổng lồ quả là một mối lo lớn khi chính sách cấm nhập khẩu rác thải mới của Trung Quốc đã bắt đầu có hiệu lực. Theo Ecowatch, con số ước tính trên là kết quả từ nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Georgia, Mỹ.
Trước khi lệnh cấm có hiệu lực, Trung Quốc từng là nước nhập khẩu nhựa lớn nhất thế giới. Theo một bài viết công bố trên tạp chí Science Advances mới đây, Trung Quốc đã nhập khẩu 106 triệu tấn chất thải nhựa từ năm 1992, chiếm 45,1% tổng lượng nhựa toàn thế giới. Con số này tương đương với hơn 300 tòa nhà Empire State ở Mỹ.
Cũng trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc đã trở thành quốc gia xử lý và tái chế cho hơn 43 nước, trong đó chủ yếu là các nước có nhu nhập cao thuộc EU, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Các nước thu nhập cao chiếm tới 90% tổng lượng rác thải nhựa xuất khẩu trên thế giới.
Mặc dù vậy trong một động thái bất ngờ, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không nhập khẩu rác thải nhựa từ các nước khác nữa. Thay vào đó, quốc gia này sẽ dành mọi nguồn lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm trong nước.
Sự thay đổi chính sách một cách bất ngờ của Trung Quốc khiến các nhà xuất khẩu rác thải nhựa như Mỹ, Canada, Ireland, Đức và các quốc gia Châu Âu khác chao đảo khi "bể chứa rác" lớn nhất hành tinh đã từ chối nhận rác. Riêng Mỹ đã chuyển khoảng 13,2 triệu tấn giấy phế liệu và 1,41 triệu tấn nhựa phế liệu cho các trung tâm tái chế tại Trung Quốc mỗi năm.
Các quốc gia phương Tây vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy tái chế rác tại Trung Quốc nay trở nên khá bị động. Thậm chí rác thải nhựa và giấy đã bị chất đống ở nhiều nơi và xảy ra tình trạng quá tải tại các nhà máy xử lý rác.
Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành "nơi hứng rác" mới của thế giới
Tờ CNBC News đưa tin, một số chất thải đang dần được chuyển hướng sang Việt Nam, Malaysia, Thái Lan. Tuy nhiên, con số này dường như không thấm vào đâu so với khoảng trống vừa mất đi từ thị trường Trung Quốc.
Mặc dù vậy, trước tình thế các quốc gia phát triển tăng cường xuất khẩu rác sang các nước Đông Nam Á, nhiều quốc gia tại đây dự kiến sẽ sớm ban hành lệnh cấm giống Trung Quốc để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Ngoài ra, một phần nguyên nhân còn do các nước này không đủ năng lực xử lý số lượng rác khổng lồ như vậy từ thế giới đổ về.
Amy Brooks, tác giả chính của nghiên cứu và hiện là sinh viên kỹ thuật tại Đại học Georgia cho rằng, các quốc gia cần phải học cách quản lý và tái chế chất thải tốt hơn.
Brooks chia sẻ với hãng tin AP: "Đây thực sự là lời cảnh tỉnh. Trong lịch sử, chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc trong việc tái chế chất thải và giờ đây, họ đã nói không. Chất thải đó cần được quản lý và phải quản thật đúng cách".
Tính từ những năm 1950 đến nay, khi con người phát hiện ra sự "kỳ diệu" của nhựa, thế giới đã sản xuất ra khoảng 8,3 tỷ tấn, và phần lớn rác thải đều bị đẩy ra ngoài đại dương. Theo tính toán sơ bộ, con người đang thải ra biển khoảng 8 triệu tấn nhựa mỗi năm. Cứ theo đà này, nguy cơ rác thải nhựa nhiều hơn cả cá trong đại dương là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Kết thúc nghiên cứu, các nhà khoa học kỳ vọng, các quốc gia và chính phủ cần sớm có những ý tưởng và hành động mạnh mẽ hơn nữa để giảm số lượng vật liệu không thể tái chế. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng cần nỗ lực thiết kế lại bao bì sản phẩm và cần thiết nên có một cơ chế quản lý chất thải nhựa cứng rắn hơn.