Nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và ông tỷ phú hỗ trợ khởi nghiệp cùng chia sẻ quan điểm về đổi mới sáng tạo và những kết nối trong đó.
Sáng 7/3/2019, Hội thảo “Đổi mới sáng tạo – Cầu nối giữa Đại học, Doanh nghiệp và Nhà nước” do BK Holdings tổ chức tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và viện trường.
Thuyết trình tại hội thảo có 3 diễn giả là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tạo lập và kết nối các công ty khởi nghiệp như Nguyễn Quang Huy, cựu nhân viên Microsoft và hiện là đại diện công ty cổ phần phát triển công nghệ Vintech; Dwayne Ong, giám đốc điều hành startup Casugol Singapore về đào tạo cho các ngành công nghiệp; và Axel Schultze, Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Thế giới.
Các diễn giả đều có chung ý kiến rằng trường đại học là nơi ươm mầm tốt nhất cho sáng tạo, bởi môi trường này cho phép các cá nhân phát triển sáng kiến, mô hình và tìm kiếm cộng sự theo cách mà tác giả cuốn sách “Zero to One — Từ 0 đến 1” Peter Thiel đã nhấn mạnh là làm những thứ hoàn toàn mới chưa ai từng thực hiện và tập trung vào giá trị.
Anh Nguyễn Quang Huy cho biết, có hàng trăm chương trình thúc đẩy kinh doanh do các doanh nghiệp đầu tư vào các trường đại học lớn trên thế giới bởi họ nhìn thấy tiềm năng ở các sinh viên, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, Internet kết nối vạn vật hay an ninh mạng. Việc này giúp ích rất lớn để thương mại hóa nghiên cứu khoa học ra thị trường.
Đồng quan điểm, anh Dwayne Ong cho rằng ĐH Bách khoa Hà Nội là một mô hình khá thành công mà các trường đại học ở Việt Nam có thể học hỏi, đó là việc họ đã xây dựng được cơ sở ươm tạo để tận dụng nguồn nhân lực và sáng tạo ngay trong trường.
Công ty Casugol Singapore nhận thấy rằng hệ thống giáo dục truyền thống – đặc biệt là giáo trình – của nhiều nước hiện đang không thay đổi kịp với những tiến bộ công nghệ, có rất nhiều công ty yêu cầu các bên thứ ba như Casugol đào tạo những kỹ năng cần thiết cho nhân viên của mình. Trên thực tế, các công ty thời đại 4.0 không chỉ đòi hỏi những tri thức công nghệ mà còn yêu cầu phải liên tục học hỏi những kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo, quản lý, sáng tạo, … để có thể cạnh tranh. Ông Axel Schultze cũng chia sẻ rằng có lẽ ngôn ngữ là kỹ năng quan trọng nhất cần học của con người, và khi được hỏi các startup Việt Nam cần ưu tiên chuẩn bị điều gì khi bước ra thế giới, câu trả lời của ông là “Tiếng Anh”.
Bên cạnh đó, Axel Schultze chỉ ra rằng, vượt ra khỏi việc phát minh sản phẩm, thành công của những công ty lớn trên thế giới như Google, Microsoft, Tesla, Uber, Airbnb… không hẳn là đến từ công nghệ mà quan trọng là do họ phát minh ra những mô hình kinh doanh mới và gây dựng được thương hiệu từ nó. Mà để các startup với các mô hình kinh doanh mới phát triển được thì những chính sách quản lý và thuế của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích hay ngăn cản sự đột phá.