Thành phần tham gia của buổi trò chuyện được tuyển chọn khá kỹ lưỡng vì người đàn ông tự tay gầy dựng cơ nghiệp từ số 0 lên đến 50 tỷ USD chỉ chia sẻ nhanh bằng tiếng Anh và mong muốn khán phòng chỉ có những chủ doanh nghiệp startup đã có ít nhiều kinh nghiệm thực tế. Khoảng trên dưới 30 doanh nhân trẻ - và không còn trẻ, đến từ nhiều tỉnh thành phía Nam đã tham dự. Trong đó, có người đang trồng tỏi Lý Sơn ở Quảng Ngãi, người đang xây dựng platform cho hệ sinh thái khởi nghiệp ở TP. HCM, lẫn các chủ doanh nghiệp kinh doanh hải sản tận Cà Mau…
Ông bắt đầu câu chuyện bằng việc chia sẻ với mọi người về thất bại trong lần khởi nghiệp đầu tiên, năm ông 26 tuổi. Tuy thất bại chỉ sau nửa năm startup, điều đó không khiến cho Schultze nản lòng. Ông tiếp tục bắt đầu với ý tưởng về một sàn thương mại online vài năm sau đó. Và lần này ông đã thành công lớn, dù hành lang pháp lý lúc ấy ở châu Âu vẫn còn rất mơ hồ về thương mại điện tử... Cứ thế, những câu chuyện thành công và thất bại đan xen, tiếp nối nhau, và bây giờ nhìn lại, ông Schultze đã có 4 công ty khởi nghiệp thành công, trở thành những unicorn hàng tỷ đô la trên sàn chứng khoán.
“Tôi đã gặp đủ loại khó khăn trở ngại. Nhưng làm thế nào để dạy một ai đó về startup ư? Thưa là không thể, vì startup luôn đối diện với những vấn đề mới, vấn đề của tương lai. Tuy nhiên, nếu bạn có thể nghĩ về một điều gì đó, bạn có thể làm được điều đó” – ông Schultze chia sẻ. “Vậy nên, nếu đã startup, hãy nghĩ đến những điều khiến đất nước của bạn cùng có lợi, chứ đừng chỉ nghĩ về việc IPO và lấy tiền mặt.”
Khởi nghiệp để xuất khẩu
Chỉ tay về phía các slide trình chiếu đang thể hiện các con số về tình hình khởi nghiệp thế giới, người đàn ông đam mê khởi nghiệp và sáng tạo tiếp tục gợi mở vấn đề: “Các bạn có biết vì sao mỗi ngày có hàng ngàn người đến với thung lũng Silicon ở California? Ở đó có gì khác ở đây đâu?” Và không đợi câu trả lời, ông tự… đáp: “ Đó là vì ở đó đang có hàng ngàn nhà đầu tư đang chờ đón những ý tưởng mới. Những ý tưởng toàn cầu. Chỉ có xuất khẩu mới mang lại sự thịnh vượng và kết nối thế giới. Do đó, khi startup, hãy hướng đến việc bạn có thể xuất khẩu sản phẩm của mình, có thể đưa doanh nghiệp của mình phát triển ra thế giới.”
Vậy các yếu tố nào mà một doanh nhân khởi nghiệp cần quan tâm sâu sát ngay từ đầu? Ông Schultze tiếp tục phân tích: “Phải quan tâm tới thương hiệu và việc làm thương hiệu (branding). Đó là một yếu tố then chốt cho sự thành công. Doanh nghiệp nên có một chiến lược phát triển thương hiệu mạnh. Bên cạnh đó, các bạn cần có một tầm nhìn rõ ràng. 90% doanh nghiệp start up trên toàn thế giới đã thất bại vì 3 yếu tố: tầm nhìn mù mờ, nhóm founder yếu và chậm đưa ra các quyết định cũng như chậm phát triển.”
“Không ai có thể đánh bại bạn nếu bạn rất nhanh và có sản phẩm số một trên thị trường. Thế nên chúng ta cũng đừng nghĩ rằng thiếu vốn. Không bao giờ thiếu vốn, chỉ là giai đoạn nào thì cần kêu gọi vốn.”
Ông Schultze cũng chia sẻ về tầm quan trọng của việc giao tiếp, truyền thông trong nhóm để tạo ra một nhóm làm việc hiệu quả. Theo ông, việc hợp tác trong nhóm founder là rất quan trọng, và cần hội đủ 3 yếu tố, đó là sự giao tiếp liên tục, sự chia sẻ và gắn bó, và sự cởi mở.
“Hãy có một tầm nhìn về tương lai”
“Bạn có tin không, hầu hết các doanh nghiệp startup thành công mà tôi biết đều chỉ mất 6 tháng để đưa sản phẩm ra thị trường. Chúng ta có 5 giai đoạn chính trong 6 tháng đó, bao gồm: ý tưởng – tầm nhìn; phát triển tầm nhìn; phát triển mô hình kinh doanh; phát triển sản phẩm – nghiên cứu thị trường và phát triển đội nhóm. Cuối cùng là đưa sản phẩm đến tay khách hàng” – Axel cho biết.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của tầm nhìn, ông chỉ ra một “bí kíp”, đó là hãy thử làm một video clip thời lượng tầm 3 phút phỏng vấn chính bạn, nhìn từ năm 2026. Trong đó, đoạn clip cần trả lời được 3 câu hỏi: điều gì đã thay đổi trong suốt 7 năm qua? Các khó khăn, trở ngại nào bạn đã vượt qua? Đâu là thay đổi mang tính bước ngoặc?
Ông tiếp tục với các yếu tố liên quan đến tầm nhìn: “Phải hiểu được câu chuyện của tương lai. Sau khi làm clip, các bạn nên đưa lên mạng xã hội như Youtube hay Facebook để nhận được phản hồi của mọi người. Điều đó cực kì quan trọng. Các phản hồi giúp bạn có những hình dung chính xác hơn về những điều bạn có thể làm trong tương lai.”
Schultze cũng lấy ví dụ, vào đầu những năm 1980, công ty Computer 2000 do ông sáng lập đã phải cạnh tranh với hơn 5000 nhà phân phối trong ngành IT. Lúc đó, tất cả các điều kiện của Computer 2000 đều đứng sau những đối thủ cạnh tranh. Vậy nhưng nhờ có tầm nhìn rõ ràng, 10 năm sau, công ty đã đứng thứ 3 trong thị trường có hơn 8000 đối thủ cùng ngành.
“Và khi đã có sản phẩm/ dịch vụ, hãy suy nghĩ kỹ về một câu hỏi rất quan trọng: đâu là cách lý tưởng để bán sản phẩm/ dịch vụ của bạn cho khách hàng? Hãy luôn học hỏi từ hành vi của người tiêu dùng, để biết cái họ đang làm, cái họ thường làm nhất và ít làm nhất, cũng như tần suất các hành vi này như thế nào”, ông Schultze nhấn mạnh.
“Cuối cùng”, ông nói, “hãy cố gắng phát triển 2% mỗi ngày. Hãy thúc đẩy doanh nghiệp liên tục. Điều này sẽ tạo nên điều kì diệu cho doanh nghiệp của bạn.” Với một buổi trao đổi kéo dài đến… quá giờ trưa, có lẽ cũng đã có quá nhiều món quà từ Thụy Sĩ để các nhà khởi nghiệp Việt suy ngẫm.