Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người chung cho cả nước theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 1% so với năm 2019.
Nhóm hộ giàu nhất có TNBQ 1 người/tháng năm 2020 đạt 9,1 triệu đồng, cao gấp 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất, với mức thu nhập đạt 1,1 triệu đồng. Ảnh: pri
Thông tin này được đưa ra trong Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê công bố sáng ngày 6/7.
Cuộc khảo sát được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng thông tin về chi tiêu chỉ đại diện đến cấp toàn quốc và 6 vùng địa lý. Các thông tin được thu thập trong khảo sát gồm: thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tham gia các chương trình trợ giúp của hộ dân cư và các thành viên trong hộ và một số đặc điểm của xã.
Kết quả khảo sát cho thấy rõ khoảng cách giàu nghèo hiện nay. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng/tháng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng). Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân đầu người đạt 9,1 triệu đồng/tháng, cao gấp 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất), với mức thu nhập đạt 1,1 triệu đồng.
Đáng chú ý, vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6,0 triệu đồng/người/tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,7 triệu đồng/người/tháng).
Sự bất bình đẳng cũng thể hiện qua chi tiêu bình quân đầu người/tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất, lên tới 3,5 lần, với chi ở các hộ thuộc nhóm giàu nhất là hơn 4,6 triệu đồng/người/tháng so với gần 1,4 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm nghèo nhất. Tính bình quân, chi tiêu hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018.
Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng. Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất (hơn 3,9 triệu đồng/người/tháng). Vùng Trung du miền núi phía Bắc có mức chi thấp nhất (tương đương 2,1 triệu đồng/người/tháng).
Giảm tiêu thụ tinh bột; tăng tiêu thụ thịt, trứng, rượu bia
Số liệu về tiêu dùng lương thực, thực phẩm do Tổng cục Thống kê đưa ra cho thấy một xu hướng rõ ràng là các hộ gia đình đang giảm dần việc tiêu thụ tinh bột, như việc lượng gạo tiêu thụ giảm dần qua các năm - từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 8,1 kg/người/tháng năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg/người/tháng năm 2020.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,8 kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng năm 2020.
Một điểm mới trong Khảo sát này là lượng tiêu thụ trứng trong năm 2020 tăng lên, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội, trứng là mặt hàng các hộ gia đình ưa chuộng sử dụng để bổ sung dinh dưỡng thay vì các loại khác.
Lượng tiêu thụ rượu bia có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2010 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Lượng tiêu thụ mặt hàng này của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cũng cao hơn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất (2,2 so với 1,0 lít/người/tháng).
Chú trọng đầu tư cho giáo dục
Một điểm thú vị trong Khảo sát, đó là trung bình các hộ dân cư chi hơn 7,0 triệu đồng cho một thành viên đang đi học trong 12 tháng, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018.
Ở thành thị, các hộ chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học trong 12 tháng, cao hơn hộ nông thôn 2,1 lần; nhóm hộ giàu nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/12 tháng, tăng 4,7% so với năm 2018.
Nhìn chung chi tiêu cho giáo dục và đào tạo không có sự khác biệt nhiều về giới. Tuy nhiên, có sự chênh lệch rõ rệt khi quan sát theo cấp vùng: vùng có chi tiêu cho giáo dục, đào tạo cao nhất là Đông Nam Bộ - hơn 11,0 triệu đồng/người/12 tháng, cao hơn 3,6 lần so với Trung du và miền núi phía Bắc.
Có thể thấy rằng đầu tư cho giáo dục ngày càng được chú trọng hơn qua các năm, và nhìn chung chi tiêu cho giáo dục và đào tạo không có sự khác biệt nhiều về giới. Ảnh: vov
Trong cơ cấu chi cho giáo dục, khoản học phí (35,1%), học thêm (17,5%) và chi giáo dục khác (khoảng 26,6%) là các khoản chi chiếm tỷ trọng lớn.
Chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 người đi học trong 12 tháng qua tại các trường công lập hơn 6,1 triệu đồng/người/12 tháng, thấp hơn nhiều so với các loại trường dân lập (25,3 triệu đồng/người/12 tháng) và tư thục (17,8 triệu đồng/người/12 tháng).