Ngày 24/2, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Thành ủy TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới”.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, hiện cả nước mới có khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/vạn dân, với gần 30.000 tiến sĩ. Đây là những con số thấp so với yêu cầu thực tiễn.

Đáng chú ý, trong 3 năm gần đây, trên phạm vi cả nước, số lượng nghiên cứu sinh nhóm ngành KH&CN liên tục giảm: năm 2019 có 1.379 nghiên cứu sinh, năm 2021 giảm còn 1.010 người. Số sinh viên nhập học phân bố không đồng đều giữa các nhóm ngành. Cụ thể, ngành công nghệ thông tin tăng từ 46.173 người năm 2019 lên 56.260 năm 2022, đạt 100% chỉ tiêu, nhưng ngành khoa học tự nhiên chỉ có 50% chỉ tiêu sinh viên nhập học. Thậm chí nhiều ngành không có sinh viên theo học như Hải dương học, Địa chất,…

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, thực tế hiện nay nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có những chính sách, chế độ thu hút và đãi ngộ nhà khoa học tốt hơn nhiều so với khu vực nhà nước. Vì vậy, một lượng lớn trí thức đã rời khu vực công sang làm việc tại doanh nghiệp. Trong khi đó, nhà khoa học khối tư nhân nếu muốn vào làm việc ở cơ quan nhà nước lại phải bắt đầu ở mức khởi điểm và không được kế thừa các điều kiện đãi ngộ như khi họ ở doanh nghiệp. Điều này gây khó khăn cho việc tuyển dụng nhà khoa học giỏi, chất lượng cao vào cơ quan nhà nước. Bộ trưởng cho rằng, hiện mức đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức theo các quy định hiện hành, chưa thật hấp dẫn vì không theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế, xã hội.

Bộ
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: CT

"Bộ KH&CN đang hoàn thiện hai đề án về thu hút trí thức và quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN, cùng với cơ chế thử nghiệm chính sách theo mô hình sand-box, tiếp thu ý kiến các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học để trình Chính phủ trong thời gian tới", Bộ trưởng cho biết.

PGS.TS. Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN, đã chỉ ra một số những vướng mắc trong cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ trí thức KH&CN. Cụ thể như quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN chưa đưa ra được các hành lang pháp lý bảo vệ nhà khoa học trước đặc tính rủi ro của hoạt động nghiên cứu. Chưa cho phép các nhà khoa học linh hoạt trong sử dụng kinh phí, trong khi các chi phí cho hoạt động thử nghiệm, thí nghiệm là không thể dự toán trước. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phải chịu áp lực lớn để hoàn thành các thủ tục về tài chính. Một số chính sách trọng dụng các nhà khoa học như chính sách đối với nhà khoa học đầu ngành chưa triển khai được.

Theo ông Nghĩa, với chính sách hiện hành, thu nhập trung bình của các nhà khoa học là rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội, dẫn đến thực tế là nhân lực nghiên cứu phát triển ở các viện nghiên cứu đang bị giảm sút.

Riêng tại TPHCM, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, thời gian qua, TPHCM đã ban hành nhiều chính sách đãi ngộ như điều kiện ăn ở, đi lại, tiền lương, công lao động,… nhưng đến nay cũng mới chỉ thu hút được khoảng 20 chuyên gia. Theo ông Mãi, dù có nhiều thuận lợi, nhưng TPHCM vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của đội ngũ trí thức. Cơ chế, chính sách của thành phố chưa còn hạn chế, chưa động viên được các chuyên gia, trí thức về làm việc.

Đ
Đại biểu tham dự đề xuất các giải pháp. Ảnh: CT

“TPHCM đang giao các đơn vị nghiên cứu chế độ, chính sách mới, để tập hợp đội ngũ trí thức trong và ngoài TPHCM thông qua các chương trình phát triển giải quyết những bài toán lớn của Thành phố, cơ chế đặt hàng và những hình thức phù hợp khác. Như vậy, dù ở đâu, đội ngũ trí thức cũng có thể đóng góp cho TPHCM”, ông Mãi cho biết.

Đề xuất cơ chế thu hút đội ngũ trí thức, GS Võ Văn Tới, Chuyên gia y sinh Đại học Quốc tế TP HCM, cho rằng, 2 yếu tố chính để thu hút đội ngũ trí thức hiệu quả là môi trường làm việc, môi trường sống hấp dẫn và cần có những chính sách thu hút chất xám phù hợp. Theo ông, cần có những cơ chế đơn giản, thông thoáng, mềm dẻo và nhất quán. Tránh những quy định phức tạp chồng chéo và đặc biệt là thay đổi thường xuyên.

Ông cũng hiến kế, Nhà nước nên có một mô hình "ốc đảo" thử nghiệm các chính sách mới về KH&CN, nhưng không bị gò bó bởi hệ thống luật pháp. Ở "ốc đảo" này, các trí thức sẽ được tập hợp và được giao quyền tự do nhiều hơn trong hoạt động KH&CN, miễn là không xâm phạm đến lợi ích, an ninh quốc gia, không vi phạm pháp luật, thay vì chỉ được làm những gì mà các quy định hiện đang cho phép.

GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM thì đề xuất, chính quyền cần có kế hoạch định kỳ tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc với trí thức và tổ chức các buổi gặp mặt theo yêu cầu của đội ngũ trí thức để lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng. Qua đó cung cấp thông tin, đặt hàng cụ thể cho đội ngũ trí thức. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu, ứng dụng, cũng như tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu.