Tại buổi làm việc ngày 25/5 giữa Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT, hai bên đã làm rõ những thông tin về tình hình đội ngũ trí thức trong ngành GD&ĐT, bao gồm số lượng và chất lượng, những mặt tích cực, hạn chế và nguyên nhân kìm hãm sự phát triển đội ngũ trí thức là giảng viên, chuyên gia, nhà quản lý.
Cụ thể, Niên giám thống kê năm học 2020-2021 cho thấy cả nước có 242 trường đại học, học viện với tổng số 76.576 giảng viên cơ hữu (không bao gồm khối An ninh, quốc phòng). Đội ngũ giảng viên đại học đã tăng cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, so với năm 2015 - nhờ những chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức hiệu quả trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, đây là những thông tin hết sức quan trọng, bởi nó sẽ giúp hai Bộ có được cái nhìn khái quát trong quá trình xây dựng “Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc phát triển đội ngũ trí thức vẫn còn một số hạn chế, như chất lượng đội ngũ trí thức chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đội ngũ trí thức còn bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi,… và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Một bộ phận giảng viên, cán bộ quản lý - trong đó không ít người đạt trình độ tiến sĩ tại một số cơ sở giáo dục đại học - còn hạn chế về năng lực ngoại ngữ, CNTT, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, đội ngũ nhà khoa học đầu ngành còn ít, còn thiếu nhóm nghiên cứu mạnh ngang tầm khu vực và thế giới. "Việt Nam cần đầu tư sâu hơn cho các nhóm nghiên cứu mạnh, nhằm tạo đột phá, thu hút nhà nghiên cứu đầu ngành, từ đó thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao để khoa học có thể “nuôi” khoa học".
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định cần có cơ chế minh bạch, rõ ràng để “các nhà khoa học phát huy được ý tưởng, tạo ra kết quả tốt và sống được bằng nghề”. Muốn thế, thời gian tới hai Bộ cần tiếp tục tích cực phối hợp và chỉ đạo nhiệm vụ cho từng đơn vị thuộc Bộ trong công tác hoàn thiện đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển đội ngũ trí thức; tham gia đánh giá tổng kết thực hiện Nghị quyết số 27.
Cũng trong ngày 25/5, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã đến chủ trì tọa đàm "Xây dựng chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021 – 2030" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức nhằm thảo luận về định hướng phát triển đội ngũ trí thức thuộc Liên hiệp Hội.
Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021 - 2030 là một phần trong Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 21/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, Bộ KH&CN phụ trách một số nội dung chính: Thứ nhất, rà soát nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm sáng tạo nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức đối với các sản phẩm sáng tạo do mình làm ra, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Thứ hai, hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong lĩnh vực KH&CN, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng, các nhà KH&CN có trình độ cao v.v.
Nhệm vụ thứ 3 của Bộ KH&CN đó là chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021 - 2030. Cũng trong nhiệm vụ này, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng đề án thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài.
Tháng 5/2020, Bộ KH&CN cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương đã tiến hành phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030. Theo kế hoạch, đề án được trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4/2021. |
Nguồn:
Anh Thư tổng hợp