Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không còn yêu cầu tất cả các loại thuốc mới bắt buộc phải thử nghiệm trên động vật trước khi được phê duyệt, theo nội dung của Đạo luật Hiện đại hóa FDA 2.0.

Cơ quan này đã sẵn sàng xem xét dữ liệu từ các nghiên cứu không phải trên động vật, bao gồm cả những nghiên cứu sử dụng mô nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hoặc mô hình máy tính, trước khi thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người.

Các công ty dược phẩm vẫn có thể sử dụng động vật để kiểm tra hiệu quả của các loại thuốc mới trước khi thử nghiệm trên người nếu họ muốn.

Trước đây, FDA yêu cầu các loại thuốc phải tiến hành thử nghiệm trên một loài gặm nhấm và một loài không phải động vật gặm nhấm. Các thử nghiệm ban đầu này giúp tìm hiểu cách thức thuốc phân hủy trong cơ thể, liệu thuốc có đến được các mô mà chúng dự định nhắm đến hay không, và chúng có tác dụng điều trị như mong muốn mà không gây ra tác dụng phụ hay không. Tuy nhiên, đa số các thử nghiệm này đều không giúp ích quá nhiều, bởi vì hơn 90% thuốc vượt qua các cuộc thử nghiệm ban đầu trên động vật nhưng lại không an toàn hoặc không hiệu quả ở người, theo một nghiên cứu đánh giá trên tạp chí Translational Medicine Communications vào năm 2019.

Vấn đề đặt ra là việc lược bỏ các nghiên cứu trên động vật có an toàn và sớm xảy ra hay không?
“Tôi nghĩ rằng sẽ mất một khoảng thời gian dài trước khi có sự thay đổi đáng kể trong cách thức mà các nhà sản xuất thuốc nghiên cứu và đưa thuốc ra thị trường”, Vivek Gupta, phó giáo sư tại Đại học St. John, nhận định.

Mặc dù giới khoa học đã phát triển nhiều giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho các thử nghiệm truyền thống trên động vật nhằm mục đích tìm ra những phương pháp khác nhau có khả năng dự đoán chính xác tác dụng của một loại thuốc ở người. Tuy nhiên, những công nghệ này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, Jim Newman, Giám đốc Truyền thông của tổ chức y tế American for Medical Progress, cho biết.

Nguồn: Livescience.com