Theo TS Nguyễn Đức Hiền - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Chuyển giao công nghệ - Đại học Duy Tân, việc thưởng cao cho những bài báo công bố quốc tế sẽ là động lực thúc đẩy giảng viên nghiên cứu và nhờ đó họ có thể sống bằng kết quả nghiên cứu một cách xứng đáng.
Vừa qua, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) công bố chính sách thưởng lớn cho các bài báo đăng trên tạp chí có chỉ số ảnh hưởng IF>2 được thưởng 200 triệu đồng, IF>1 thưởng 150 triệu đồng và IF< 1 thưởng 100 triệu, điều này khiến cho giới khoa học bàn tán sôi nổi.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Hiền - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Chuyển giao công nghệ, Đại học Duy Tân nhận định việc thưởng cho những bài báo công bố quốc tế là một vấn đề mà các trường đại học nên chú ý và cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời và thiết thực hơn để tạo động lực tốt cho đội ngũ giảng viên.
Ông dẫn ra thực tế, lâu nay giảng viên trong các trường đại học nhận thức được rằng mỗi người phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ quan trọng đó là giảng dạy và nghiên cứu. Thế nhưng một thực tế đã xảy ra tỷ lệ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học còn hạn chế mà chủ yếu chú trọng vào công tác giảng dạy, vì thu nhập chủ yếu hiện nay vẫn là từ khối lượng giảng dạy.
Vì vậy, TS Hiền cho rằng việc đưa ra những chính sách hợp lý trong hoạt động khoa học công nghệ của người giảng viên để họ có thể sống bằng kết quả nghiên cứu của họ một cách xứng đáng, chẳng hạn thưởng cao cho những bài báo công bố quốc tế là rất cần thiết.
Được biết, trường ĐH Duy Tân cũng đã có những chính sách khen thưởng và hưởng lương sản phẩm bài báo ISI từ năm 2013 dành cho giảng viên và cán bộ nghiên cứu của trường. Theo đó, đối với giảng viên của trường nhiệm vụ chính là giảng dạy và hưởng lương trên khối lượng giảng dạy là chính còn nghiên cứu của họ yêu cầu phải tham gia (viết giáo trình, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, tham gia nghiên cứu đề tài từ cấp trường trở lên, tham gia dự án, viết bài báo đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế..…) được trường đầu tư và xét thưởng sau khi hoàn thành. Tùy theo mức độ đánh giá xếp loại và từng thể loại mà mức khen thưởng (từ 10 triệu – 45 triệu).
Hằng năm nhà trường xét khen thưởng và trao giải “Giải thưởng của người sáng lập trường” cho cá nhân có kết quả nghiên cứu xuất sắc mức thưởng từ 45 triệu đến 225 triệu đồng. Hiện số lượng công bố quốc tế đặc biệt công bố trong tạp chí thuộc danh mục ISI trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn rất thấp so với lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Vì vậy, ĐH Duy Tân đã đưa ra các chính sách khen thưởng và hỗ trợ cho cá nhân tập thể thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn đó là nhân thêm hệ số 1,2 trong mức khen thưởng.
“Trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Trường và tầm nhìn đến 2030, là một cơ sở đào tạo đại học đúng nghĩa là phải nghiên cứu để giảng dạy và giảng dạy để nghiên cứu. Thông qua kết quả nghiên cứu để khẳng định giá trị thương hiệu của trường và của người giảng viên” - TS Hiền cho biết.
Với định hướng rõ ràng và những chính sách hợp lý, thành tích trong nghiên cứu khoa học của ĐH Duy Tân đã có những thay đổi lớn. "Giai đoạn 1995 – 2009, kết quả hoạt động khoa học nói chung, nghiên cứu
khoa học nói riêng của trường còn hạn chế, chưa xứng tầm của một trường
đại học đúng nghĩa. Nhưng đến năm 2010, chúng tôi quyết tâm cải thiện kết
quả nghiên cứu khoa học, điều chỉnh chính sách, chú trọng đến việc khen thưởng. Từ năm 2011 đến nay,
số lượng bài báo công bố quốc tế tăng lên rõ rệt. Số lượng bài báo công
bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI năm 2011 mới chỉ có 1 bài nhưng đến
2017 tăng lên 322" - TS Hiền hào hứng chia sẻ.
Được biết hiện nay, với đội ngũ gần 1010 người, trong đó cán bộ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên 149 người, số lượng công bố của người giảng viên tại trường ĐH Duy Tân chiếm khoảng 40% và cán bộ nghiên cứu ở các Viện của Trường chiếm khoảng 60%.