Trải qua 2 năm đại dịch với nhiều biến động, ngành F&B đã hồi phục, tăng trưởng ấn tượng và sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định trong vòng 3 năm tới

 h
Kết quả nghiên cứu ngành thương mại điện tử trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống ghi nhận có khoảng 12,23 triệu người đã đặt giao đồ ăn qua các nền tảng trực tuyến vào năm 2022. Ảnh: Kr-asia

iPOS.vn - công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các giải pháp phần mềm và phần cứng trong lĩnh vực quản lý nhà hàng/cà phê - mới đây đã phối hợp với Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) công bố báo cáo thị trường Kinh doanh ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2022. Báo cáo được xây dựng từ nguồn dữ liệu có liên quan từ các đơn vị nghiên cứu thị trường uy tín trong và ngoài nước, và tiến hành khảo sát gần 3,000 nhà hàng/ quán cà phê cùng gần 4.000 thực khách trên toàn quốc.

Hầu hết doanh nghiệp đã chuyển đổi số

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tính đến hết năm 2022, Việt Nam có gần 338,600 nhà hàng/quán cà phê. Thành phố Hồ Chí Minh là tỉnh thành sở hữu nhiều hàng quán nhất, chiếm 39,78% số lượng trên toàn quốc, gấp gần 3 lần so với Hà Nội – tỉnh thành đứng ở vị trí thứ hai! Quy mô doanh thu ngành F&B 2022 ước tính đạt gần 610 nghìn tỷ, trong đó, 333,69 nghìn tỷ đồng đến từ thị trường ăn ngoài.

Trong gần 3.000 nhà hàng/café được khảo sát, có tới 46.5% doanh nghiệp F&B vẫn chưa bán hàng trực tuyến. Tuy vậy, 82,8% doanh nghiệp F&B đã tham gia hành trình chuyển đổi số, và ứng dụng chủ yếu trong hoạt động bán hàng và quản lý kho, nguyên vật liệu,…

Qua phỏng vấn gần 4,000 thực khách, báo cáo cho biết có hai tiêu chí quan trọng nhất khi lựa chọn quán ăn ngoài là: đồ ăn/uống ngon và giá cả. Trong đó, người Việt thường dành 40.000 – 70.000 VND để “đi cà phê, và họ sẵn sàng chi tiêu mạnh tay tới 500,000 VND cho các dịp ăn uống đặc biệt”. Bất ngờ hơn, 77.16% thực khách giữ nguyên chi tiêu, thậm chí tăng mức chi tiêu cho ẩm thực trong năm 2023. Điều này cho thấy, mặc dù kinh tế năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, thực khách phần lớn vẫn muốn dành nhiều chi tiêu cho trải nghiệm ẩm thực.

Quy mô thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng ở mức 29,9 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu ngành thương mại điện tử trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống ghi nhận có khoảng 12,23 triệu người đã đặt giao đồ ăn qua các nền tảng trực tuyến và tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng hằng năm là 17,5%, tương đương với 1.8 triệu người. GrabFood và ShopeeFood đang là 2 ứng dụng bán hàng trực tuyến được ưa chuộng nhất với lần lượt 29% và 27.8%, tương đương 823 và 788 đơn vị kinh doanh F&B lựa chọn.


r
Xét riêng dịch vụ nhà hàng/quán cà phê tại Việt Nam năm 2022, 3 tỉnh thành có sự phát triển kinh tế bậc nhất tại 3 khu vực tương ứng Bắc - Trung - Nam vẫn chiếm ưu thế khi sở hữu số lượng nhà hàng nhiều nhất với tỷ trọng lần lượt là 14.48% ở Hà Nội, 4.80% ở Đà Nẵng và 39.78% ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Ảnh chụp từ báo cáo của iPOS

Nhìn chung, “trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi lớn về mặt tư duy kinh doanh, tối ưu hệ thống vận hành và tăng cường trải nghiệm cho thực khách. Thị trường F&B cũng dần hồi phục, và có chuyển biến vô cùng tích cực”, ông Vũ Thanh Hùng – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần iPOS.vn nhận định.

Các chủ đầu tư nhỏ lẻ thận trọng

Trải qua 2 năm đại dịch, ngành F&B đã có nhiều biến động. Nhu cầu ngành này đã hồi phục mạnh mẽ sau thời kỳ giãn cách, giá trị thị trường năm 2023 dự kiến sẽ tăng 18% so với 2022, đạt 720 nghìn tỷ đồng. Sau khi hồi phục và tăng trưởng ấn tượng, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến sẽ đạt giá trị 938,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2026.

2023 khả năng trở thành cuộc chiến giành thị phần giữa các chuỗi lớn, trong khi các chủ đầu tư nhỏ lẻ sẽ thận trọng. Phỏng đoán này hoàn toàn hợp lý khi quý 4 năm 2022 chứng kiến sự chững lại của ngành F&B so với cùng kỳ nhiều năm trước. Đây được coi là sự ảnh hưởng chung của nền kinh tế, dự kiến sẽ tiếp diễn trong năm 2023. Tuy nhiên với các thương hiệu lớn, bằng nguồn vốn tích lũy của mình, đang tranh thủ thời cuộc để chiếm lĩnh thị phần. Thị trường sẽ đón nhận nhiều biến số thú vị, vì còn có sự góp mặt của nhiều tên tuổi mới đang tạo nên nhiều tiếng vang, như phê la, Katinat Saigon Kafe,…

Báo cáo cũng cho biết một số mô hình kinh doanh ẩm thực sẽ có phần chững lại sau năm 2023. Đặc biệt, thị trường giao đồ ăn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Bên cạnh việc nhà hàng chịu chi phí chiết khấu bán hàng cao, họ cũng đang gặp khó khăn với cuộc đua giảm giá để dành đơn hàng, khiến lợi nhuận bị bào mòn. Vì vậy, bán hàng trực tuyến sẽ chỉ phù hợp để khai thác trong thời gian thấp điểm, chứ không còn là hướng đi an toàn cho mô hình kinh doanh thuần trực tuyến như trước.

49.5% đơn vị F&B tham gia khảo sát cho biết một trong những lo ngại lớn nhất của họ là công tác tìm kiếm nhân sự khó khăn. Họ cũng lo lắng đến những vấn đề như nhân sự thiếu chuyên nghiệp (37%), chi phí lương nhân sự (35,5%) và giữ chân nhân sự (30,3%). Nhân viên ngành F&B thường có tính kiêm nhiệm cao, một người nhưng phải làm 2-3 vị trí, cơ hội thăng tiến cũng không rõ ràng. Chưa kể, phía doanh nghiệp sử dụng lao động cũng hiếm khi đóng Bảo hiểm xã hội, triển khai chính sách lương tháng 13 và các phúc lợi khác. Điều này dẫn đến sức hấp dẫn công việc ngành này ngày càng suy giảm trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh đó, đặc thù là một ngành có nhân sự khá phức tạp, vì vậy có 16,3% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xếp lịch làm việc, và 10,4% gặp sai sót khi tính lương nhân sự.