Không chỉ thúc đẩy các cuộc thảo luận và kết nối trong cộng đồng đổi mới sáng tạo, chương trình tập trung vạch ra những giải pháp nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiệu quả và bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Trong ba ngày 16 - 18/2, các đối tác và khách mời đại diện cho các công ty khởi nghiệp, tổ chức tăng tốc, vườn ươm, trường đại học, nhà hoạch định chính sách, quỹ đầu tư và tập đoàn đã tham dự hội nghị Swiss EP Partner Summit 2023 tại Quy Nhơn, Bình Định nhằm thảo luận và đề xuất giải pháp cho nhiều vấn đề thách thức trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Đây là lần thứ 3 hội nghị được tổ chức ở Việt Nam, với nguồn tài trợ từ chính phủ Thụy Sĩ. Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý thuộc Bộ KH&CN và Bộ KH&ĐT, cùng hơn 40 tổ chức hỗ trợ, vườn ươm, trường đại học, tập đoàn, doanh nghiệp và mạng lưới. Các chuyên gia thường trú toàn cầu (EIR) của Swiss EP đã trực tiếp đến gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm với hội nghị lần này ở Quy Nhơn.
Việc đưa các chuyên gia EIR từ nước ngoài đến Việt Nam cho hội nghị lần này là một cơ hội tốt để các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam kết nối. Các startup và các vườn ươm Việt Nam cho biết họ có nhu cầu được kết nối với các chuyên gia thường trú cho tổ chức của mình bởi hỗ trợ mạng lưới của Swiss EP Vietnam mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho startup.
Tính riêng trong năm 2022, mạng lưới các đối tác của Swiss EP Vietnam đã kết nối, hỗ trợ 214 công ty, tạo ra hơn 3.000 việc làm (43% cho phụ nữ) và thu hút nguồn vốn lên đến hơn 47 triệu Franc Thụy Sĩ (hơn 1,2 nghìn tỷ đồng), với 12% trong đó là dành cho các công ty do nữ lãnh đạo.
Tại hội nghị, các thành viên đã đưa ra những ý tưởng mới về nâng cao nhận thức của startup về quản lý bảng phân phối cổ phần từ sớm; triển khai các chương trình đào tạo để phát triển kỹ năng cho tài năng trẻ làm việc trong các công ty khởi nghiệp; xây dựng vườn ươm tiêu chuẩn quốc tế với sự hợp tác của các tập đoàn toàn cầu; thiết kế sandbox cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào và thoái vốn khỏi Việt Nam dễ dàng và nhanh hơn; tăng cường năng lực vận động chính sách của các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp; triển khai các khóa học chứng nhận nhà đầu tư thiên thần đủ điều kiện; và tổ chức hội nghị thượng đỉnh hàng năm dành cho lãnh đạo các trường đại học để nâng cao hiểu biết về tinh thần doanh chủ và đổi mới trong các cơ sở giáo dục.
Một số tổ chức tăng tốc và vườn ươm cho biết, số lượng công ty khởi nghiệp được chọn vào chương trình đào tạo của họ giảm sút trong năm qua, do vậy việc để các chuyên gia như EIR làm việc chặt chẽ hơn với founder và nhân sự của startup có thể giúp nuôi dưỡng một nhóm nhân tài mới, những người có thể được truyền cảm hứng và sẵn sàng để bắt đầu những dự án mới.
Tuy nhiên về dài hạn, các đối tác, khách mời và chuyên gia của Swiss EP đều đồng thuận rằng hệ sinh thái Việt Nam cần phải đạt được sự bền vững bằng cách có thể tự duy trì. Điều đó có nghĩa là mỗi nhân tố cần tập trung xây dựng năng lực của chính mình mà không phụ thuộc vào các tổ chức bên ngoài cung cấp chuyên gia như Swiss EP.
Theo tổ chức nghiên cứu StartupBlink, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đứng thứ 54 trên 100 quốc gia được xếp hạng vào năm 2022, tăng năm bậc so với năm trước đó.
Bộ KH&CN cũng từng cho biết tính đến năm cuối năm 2022, cả nước có 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 170 trường đại học cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đại học thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp lâu dài.
Đặc biệt, hiện Việt Nam có 4 "kỳ lân" công nghệ, nằm trong cụm các quốc gia khởi nghiệp năng động nhất khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. |
Trang Linh