Vòng gọi vốn hạt giống của GIMO được dẫn dắt bởi ThinkZone và BKFund, với sự tham gia của một số nhà đầu tư thiên thần.
Theo Cơ sở Dữ liệu Toàn cầu về Phổ cập Tài chính (Findex) của Ngân hàng
Thế giới năm 2017, gần 2/3 người trưởng thành ở Việt Nam không có tài
khoản ngân hàng hoặc ít có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay chính thống,
mức cao nhất ở Đông Nam Á. Họ thường phải tìm đến các dịch vụ tài chính
có chi phí cao như các khoản vay ngân hàng số tiền lớn, kỳ hạn dài hoặc
vay lãi theo ngày với lãi suất cao để giải quyết nhu cầu chi tiêu khẩn
cấp.
Là startup được thành lập cuối năm 2019, GIMO cho phép người sử dụng ứng lương dựa trên việc theo dõi thu nhập và số ngày đi làm thực tế của người dùng khi được tích hợp với hệ thống quản lý nhân sự và chi trả lương của công ty. Số tiền ứng dựa trên tính toán về dữ liệu chấm công thực tế của người lao động trong tháng.
Trong thông cáo báo chí, ông Bùi Thành Đô - thành viên Sáng lập và Giám đốc Điều hành của ThinkZone, nhận định "GIMO nói riêng và nền tảng ứng lương tức thì (EWA – earned wage access) vô cùng rộng mở" và đánh giá cao sự khác biệt mà startup này "đang tạo ra cho những người lao động đang chật vật tiếp cận vốn từ ngân hàng".
Trong tương lai, GIMO dự kiến sẽ xây dựng và vận hành một "siêu ứng dụng" với sự tham dự của nhiều bên như doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính, nhà bán lẻ, công ty bảo hiểm... bổ sung thêm tính năng mua sắm trực tuyến và quản lý tài chính cá nhân. Mọi giao dịch đều được cập nhật theo thời gian thực.
Ông Nguyễn Anh Quân - nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của GIMO - chia sẻ: "Là công ty tiên phong trong mảng EWA ở Việt Nam, GIMO hy vọng sẽ 'lấp đầy' khoảng trống thị trường bằng cách giải quyết nhu cầu tài chính tức thời của hàng chục triệu người lao động; đồng thời bảo đảm phúc lợi, giúp họ an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp".
GIMO giữ kín tổng số tiền đầu tư nhận được trong lần gọi vốn này.
Bích Ngọc