Công nghệ có thể giúp gì cho con người trong việc xử lý các vấn đề như rác thải, không khí, nước… là nội dung thảo luận chính tại cuộc tọa đàm diễn ra vào cuối tuần này nhằm hưởng ứng Giờ Trái đất.
Trước đây, để biết liệu không khí đang hít thở có sạch hay không, người ta thường dựa vào chính những biểu hiện thể chất như khó thở, đau đầu, chảy nước mắt hoặc tình trạng bệnh hô hấp xảy ra phổ biến xung quanh. Họ cũng có thể đoán biết chất lượng không khí nếu nhìn thấy các cụm khói bụi mờ mịt. Giờ đây, người dân ở các thành phố lớn có thể theo dõi tình trạng chất lượng không khí bất cứ khi nào bằng cách truy cập những webiste và ứng dụng cung cấp thông tin miễn phí của nhà nước và tư nhân.
Tương tự, với năng lượng, nếu như trước kia, các hộ gia đình và doanh nghiệp phải chờ đến cuối tháng để biết được hóa đơn tiền điện của mình, thì giờ đây họ có thêm những công cụ mới cho phép theo dõi điện năng tiêu thụ của từng thiết bị theo thời gian thực, để từ đó có biện pháp tiết kiệm và tối ưu hóa quá trình tiêu thụ của mình.
Việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học trên diện rộng cũng vậy, dần được thực hiện dễ dàng hơn nhờ các hệ thống thông tin địa lý và giám sát từ trên cao thay vì phải đến từng địa điểm ghi nhận hoặc chờ phản ánh của người dân địa phương.
Có thể nói, các công nghệ thời 4.0 đang mang đến rất nhiều cơ hội để thay đổi và tạo sức ảnh hưởng sâu sắc, rộng khắp lên tất cả các ngành, trong đó có lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này vẫn còn rất mới mẻ.
Nhân Tuần lễ hưởng ứng Giờ Trái đất, tọa đàm “Câu chuyện môi trường trong thời đại 4.0” sẽ thảo luận những cơ hội và thách thức đối với mỗi cá nhân, tổ chức khi có trong tay những công cụ mạnh mẽ này để thay đổi thói quen và hành động.
Tham gia tọa đàm có TS. Hoàng Việt Anh (chuyên gia hệ thống thông tin giám sát của Công ty tư vấn công nghệ Green Field), bà Phan Thanh Hải (Giám đốc điều hành Mạng lưới quan trắc chất lượng không khí PAM Air), ông Nguyễn Hoàng Minh (chuyên gia công nghệ thông tin, đồng sáng lập công ty giải pháp năng lượng IOTeamVN) và TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh (giảng viên Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN)
Sự kiện do Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) và Báo Khoa học và Phát triển/Tạp chí Tia Sáng đồng tổ chức.
Thời gian: 14h00-16h30, thứ Bảy, ngày 27/03/2021.
Địa điểm: Hội trường L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Ngô Hà