Công ty dự định sẽ ra mắt nhiều sản phẩm giúp người lao động phổ thông tránh được rủi ro bẫy nợ và tín dụng đen, góp phần nâng cao an toàn tài chính và an sinh.

 Hai nhà đồng sáng lập CEO Nguyễn Anh Quân và CPO Nguyễn Văn Ngọc. ( Ảnh : GIMO ) .
Hai nhà đồng sáng lập, CEO Nguyễn Anh Quân và CPO Nguyễn Văn Ngọc. Ảnh: GIMO.

GIMO – startup fintech cung cấp giải pháp nhận lương linh hoạt cho người lao động có thu nhập vừa và thấp tại Việt Nam, vừa hoàn tất Vòng gọi vốn Series A, với tổng cộng 17,1 triệu USD vốn cổ phần và vốn vay.

Vòng gọi vốn lần này được hoàn thành sau 5 tháng kể từ khi GIMO công bố nhận 5,1 triệu USD vào tháng Hai vừa qua.

Thương vụ do Quỹ đầu tư mạo hiểm TNB Aura dẫn đầu, cùng sự tham gia của các nhà đầu tư hiện tại của GIMO như Integra Partners, Resolution Ventures, Blauwpark Partners, ThinkZone Ventures và Y Combinator. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các nhà đầu tư mới gồm Genting Ventures, TKG Taekwang, George Kent và AlteriQ Global.

“Chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ với GIMO để góp phần tháo gỡ rào cản tiếp cận tài chính cho hàng triệu người lao động phổ thông tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động như hiện nay”, ông Charles Wong, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Quỹ TNB Aura, chia sẻ về quyết định đầu tư.

Chính thức ra mắt vào đầu năm 2021, GIMO chuyên cung cấp các giải pháp theo dõi ngày làm việc và tính lương hằng ngày cho người lao động, từ đó cho phép họ có thể lĩnh lương bất cứ khi nào, thậm chí sớm trước ngày trả lương định kỳ của doanh nghiệp.

Khi sử dụng ứng dụng, người lao động cần thanh toán một loại phí nhận lương duy nhất được hiển thị ngay trên ứng dụng và không phát sinh thêm lãi suất khác. Người dùng cũng có thể nhận các lời khuyên tài chính cá nhân trên ứng dụng.

GIMO hiện đang cung cấp giải pháp nhận lương linh hoạt cho gần nửa triệu người lao động từ các công ty đa quốc gia có quy mô trung bình lớn tại Việt Nam. Bất chấp các khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023, GIMO vẫn ghi nhận mức tăng trưởng đạt 15% và hướng tới mục tiêu phục vụ 2,5 triệu người lao động vào năm 2025.

Khoản đầu tư mới sẽ được công ty sử dụng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mở rộng quy mô thị trường. Chẳng hạn, đội ngũ công ty sẽ tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, qua đó công ty sẽ ra mắt nhiều sản phẩm và sáng kiến hướng tới cộng đồng, giúp người lao động phổ thông tránh được rủi ro bẫy nợ và tín dụng đen, góp phần nâng cao an toàn tài chính và an sinh.

“Nguồn vốn đầu tư này sẽ giúp chúng tôi cải tiến sản phẩm và mang lại tác động tích cực cho cộng đồng yếu thế về tài chính tại Việt Nam,” ông Nguyễn Anh Quân – Tổng Giám đốc kiêm Đồng sáng lập GIMO, chia sẻ.

Theo báo cáo của KPMG năm 2022, người dùng các ứng dụng ứng lương như thế này thường có nhu cầu nhận lương sớm từ hai đến ba lần mỗi tháng – tần suất tương tự hình thức trả lương hằng tuần hoặc hai tuần một lần, nhằm chi trả cho những khoản phí khác nhau. Giải pháp nhận lương linh hoạt không chỉ giúp họ trang trải những chi phí phát sinh mà còn cả những chi phí sinh hoạt hàng ngày, qua đó giúp họ cảm thấy an tâm hơn trong cuộc sống.