Như vậy đến nay, Chính phủ Mỹ đã đóng góp hơn 218 triệu USD trong tổng số 300 triệu USD dự kiến sẽ đóng góp cho dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa.
Hôm nay, 27/7, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), công bố trao một hợp đồng thầu trị giá 32 triệu USD cho công ty Tetra Tech trong khuôn khổ dự án xử lý dioxin ở trong và quanh Sân bay Biên Hòa.
Theo hợp đồng này, công ty Tetra Tech của Mỹ sẽ tiếp nối việc thiết kế kỹ thuật và thi công, quản lý xây dựng và giám sát môi trường đối với hoạt động xây dựng và xử lý đất và trầm tích ô nhiễm dioxin nhằm giảm nguy cơ phơi nhiễm cho người dân trong khu vực sân bay cũng như các cộng đồng xung quanh, tiến đến mục tiêu của dự án là hoàn trả an toàn toàn bộ diện tích đất để phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau.
Trước đó, vào tháng Ba, USAID đã trao một hợp đồng trị giá 73 triệu USD cho công ty xử lý môi trường Nelson Environmental Remediation USA để thiết kế, xây dựng và vận hành một khu xử lý phục vụ việc làm sạch đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa.
Từ tháng 4/2019, USAID đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam để xử lý 500.000 m3 đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại khu vực Sân bay Biên Hòa. Năm 2022, USAID cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam hoàn thành xử lý dioxin khu đất nằm phía ngoài sân bay Biên Hòa và bàn giao cho địa phương để làm nơi vui chơi giải trí cho cộng đồng; hoàn thành việc làm sạch khu vực đầu tiên trong sân bay (khu vực phía Tây Nam); đồng thời hoàn thành việc xây dựng khu lưu trữ lâu dài đối với đất nhiễm dioxin nồng độ thấp đã đào xúc.
Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa dự kiến mất 10 năm để hoàn thành với tổng chi phí 450 triệu USD. Đến nay, Chính phủ Mỹ đã đóng góp 218,255 triệu USD trong tổng số 300 triệu USD dự kiến sẽ đóng góp cho dự án này.
Sân bay Biên Hòa hay Căn cứ không quân Biên Hòa là một sân bay quân sự nằm ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách TPHCM 30 km.
Thiếu tướng Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng),
cho biết, Sân bay Biên Hòa từng là nơi quân đội Mỹ sử dụng để lưu chứa chất da cam/dioxin sau đó đưa lên máy bay đi phun rải trong chiến tranh Việt Nam. Sau gần 45 năm, đến nay, Sân bay Biên Hòa vẫn là nơi ô nhiễm chất độc dioxin trọng điểm và phức tạp nhất ở Việt Nam, với một số điểm ô nhiễm nằm khá gần khu dân cư. Hiện có khoảng 110 nghìn người dân sinh sống xung quanh khu vực Sân bay.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, diện tích ô nhiễm tại đây lên đến 52 ha, khối lượng đất ô nhiễm là 515 ngàn m3.
Đánh giá của USAID và Viện Khoa học và công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng) vào năm 2015 cho biết, khu vực Sân bay Biên Hòa có nhiều điểm ô nhiễm chất độc dioxin, trong đó có 3 điểm nặng nhất với mức độ cao gấp nhiều lần cho phép.
Cụ thể, khu vực phía Tây Nam Sân bay có diện tích ô nhiễm chất độc dioxin được xác định là 8 ha. Mức độ ô nhiễm ở khu vực này cao gấp 92 lần cho phép so với quy chuẩn đất thương mại và công nghiệp.
Tiếp đó là khu vực Pacer Ivy nằm ở vị trí phía Tây sân bay rộng khoảng 15 ha, với mức độ ô nhiễm cao gấp 9,5 lần. Trước đây, quân đội Mỹ thực hiện thu gom các thùng hóa chất sau mỗi chiến dịch phun rải ở khu vực này.
Đáng lưu ý nhất là khu vực Z1 nằm ở phía Nam Sân bay, được xác định có diện tích rộng 12 ha, với mức độ ô nhiễm rất cao, có những điểm ô nhiễm cực cao lên đến 700 lần so với quy chuẩn đất thương mại và công nghiệp.