Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên tập trung vào vấn đề bình đẳng giới ở nơi làm việc tại Việt Nam, cung cấp cho doanh nghiệp và các tổ chức một số giải pháp và kinh nghiệm về thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.
TS. Phạm Quốc Lộc, hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình Dương, tác giả chính của cuốn sách, cho biết quyển sách là một khảo sát mang tính thăm dò về một số nét lớn trong cách các doanh nghiệp quốc tế và doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc.
Cuốn sách xuất phát từ một dự án khảo sát của ECUE - tổ chức thúc đẩy quyền bình đẳng giới và các giá trị nhân quyền khác tại Việt Nam, phỏng vấn 30 doanh nghiệp, để hiểu xem lãnh đạo các doanh nghiệp này đang hiểu và áp dụng các chính sách bình đẳng giới như thế nào. Dự án nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ của chương trình Investing in Women, một sáng kiến của chính phủ Úc.
Theo đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy tại Việt Nam, chỉ có một số doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai những hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phần lớn các doanh nghiệp xếp bình đẳng giới vào mức độ ưu tiên thấp và họ cho rằng không cần phải thực thi các giải pháp bình đẳng giới tại nơi làm việc như một phần trách nhiệm.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không tin có bất bình đẳng giới tại doanh nghiệp của họ vì họ không hề đề cập đến “giới tính” trong quảng cáo tuyển dụng và giới tính không phải là điều kiện thăng tiến. “Nói cách khác, sự không đề cập thường được hiểu là không có phân biệt, và không có phân biệt được hiểu là không có bất bình đẳng. Trên chuỗi lập luận đó, bình đẳng giới được xếp vào mức độ ưu tiên thấp và nhiều doanh nghiệp cho rằng họ không cần phải thực thi các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới”, TS. Lộc giải thích tại buổi ra mắt sách sáng 19/3 tại Phố Sách Hà Nội.
Nhóm nghiên cứu quyết định tổng hợp nghiên cứu thành cuốn sách nhằm kích hoạt những thảo luận đa chiều hơn, cũng như gợi mở những đề tài để nghiên cứu sâu hơn.
Sự khác biệt giữa công ty đa quốc gia và công ty quốc nội
TS. Nguyễn Quốc Lộc cho biết cuốn sách gồm 5 phần. Phần mở đầu, các tác giả đã giới thiệu các làn sóng nữ quyền được nhận diện ở châu Âu và Bắc Mỹ nhằm mục đích dẫn nhập vào các hệ tư tưởng về giới.
Phần tiếp theo, cuốn sách trình bày một vài điểm nổi bật trong tiến trình kiến tạo giới ở Việt Nam, tập trung vào bối cảnh sau chiến tranh – hậu đổi mới, với việc triển khai cơ cấu kinh tế thị trường và sự tham gia ngày càng rõ nét của Việt Nam vào quá trình toàn cầu hóa.
Phần 3 trình bày về các vấn đề về giới ở nơi làm việc. Sự chia cắt về giới vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới như chia cắt về giáo dục, chia cắt theo chiều ngang về ngành nghề, chia cắt chiều dọc/cấp bậc về ngành nghề, chia cắt về lương, chia cắt về giá trị và sự ưu tiên…
Ông Lê Quang Bình - giám đốc ECUE, tác giả chính của cuốn sách - nhận định “bình đẳng giới không chỉ đơn giản ở tỉ lệ nam nữ trong lực lượng lao động hoặc trong lãnh đạo, mà nó còn là công bằng trong trả lương, trong môi trường làm việc an toàn không có quấy rối hoặc kỳ thị. Điều này liên quan đến văn hóa và giá trị của công ty. Tuy nhiên, hiện nay không có nhiều tổ chức hiểu sâu sắc về giới trong môi trường làm việc để có thể giúp công ty đưa ra giải pháp cụ thể và hữu hiệu. Do đó, cuốn sách Bình đẳng giới nơi làm việc chính là một nỗ lực của chúng tôi trong việc khắc phục điểm yếu này”.
Phần 4 cuốn sách khám phá tình hình thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc của 30 doanh nghiệp tại Việt Nam. Mục đích của phần này là tìm kiếm những câu chuyện nổi lên từ những doanh nghiệp ở Việt Nam mà đã bắt đầu thực hiện các hoạt động và dự án bình đẳng giới. Sau khi xử lý những dữ liệu thu thập được, nhóm tác giả chỉ ra một số tương phản về các hoạt động bình đẳng giới giữa công ty đa quốc gia và công ty quốc nội.
Với các công ty đa quốc gia, thực thi bình đẳng giới được báo cáo cho cộng đồng và các bên liên quan như một phần của trách nhiệm cộng đồng, và trách nhiệm tuân thủ giải trình theo các cam kết yêu cầu của tổ chức quốc tế về nhân quyền và bình đẳng hay các yếu tố có tính pháp lý. Trong khi đó các công ty quốc nội, việc thực thi bình đẳng giới có tính “thi đua” nhiều hơn và được thể hiện như một lựa chọn của công ty hơn là một trách nhiệm phải thực hiện. Từ đó rất dễ dẫn đến quan niệm “bình đẳng giới” đã xong với các giải thưởng, chứng chỉ, và nguy cơ các định kiến giới, cơ chế định giới bất bình đẳng được tái tạo.
Ngoài ra, các công ty quốc tế đặt bình đẳng giới ở khung đa dạng và dung hợp trong khi các công ty Việt Nam tập trung vào việc tôn vinh sự nữ tính. Hình ảnh người phụ nữ được xây dựng với hai vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà", dưới nhãn mác tăng cường sự tham gia của nữ giới vào lực lượng lao động như một hình thức bình đẳng giới. Bên cạnh đó, hầu hết các công ty Việt Nam đang chỉ gói gọn công việc bình đẳng giới trong phạm vi công ty mình mà chưa có ý thức về trách nhiệm xã hội thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng.
Cuối cùng, dựa trên kết quả phân tích các bài học trên thế giới và thực trạng thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp và kiến nghị cho các cơ quan Nhà nước trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc.