Các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash (Úc) phát hiện enzyme Huc do vi khuẩn Mycobacterium smegmatis tiết ra có thể chuyển đổi không khí thành điện năng, mang đến một phương pháp mới để sản xuất năng lượng sạch. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 3/2023.

Vi khuẩn Mycobacterium smegmatis xuất hiện khá phổ biến ở trong môi trường đất. Nhờ có enzyme Huc, loại vi khuẩn này sử dụng hàm lượng hydro thấp trong khí quyển để tạo ra năng lượng, cho phép nó tồn tại trong môi trường khắc nghiệt, nghèo dinh dưỡng.

“Huc là enzyme đầu tiên con người biết đến có thể biến khí hydro thành dòng điện. Nếu tích hợp enzyme vào pin nhiên liệu, lượng điện sẽ đủ lớn để vận hành một số thiết bị nhỏ cầm tay như cảm biến sinh trắc học, thiết bị giám sát môi trường, đồng hồ kỹ thuật số”, Chris Greening, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết. “Huc hoạt động cực kỳ hiệu quả. Nó tạo ra điện ở nồng độ hydro rất nhỏ, thậm chí chỉ bằng 0,00005% nồng độ trong không khí mà chúng ta hít thở. Thêm vào đó, enzyme này rất ổn định, có thể duy trì khả năng tạo năng lượng ngay cả khi bị đông lạnh hoặc làm nóng đến 80°C ”.

Nguồn: Techtimes.com