Với mục tiêu kết nối các tổ chức cung cấp nền tảng phát triển, thiết bị và giải pháp IoT với cộng đồng khởi nghiệp đồng thời phát triển ứng dụng IoT tại Việt Nam,phòng thí nghiệm Hòa Lạc IoT Lab (HIL) đã chính thức được khai trương ngày 7/7/2016 tại Khu CNC Hòa Lạc.
Theo ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: "Phòng thí nghiệm IoT Hòa Lạc – hoạt động theo mô hình Phòng thí nghiệm kiểu mới, không sử dụng ngân sách nhà nước, được thành lập và hoạt động dựa trên sự đóng góp của cộng đồng- được thành lập bởi 04 sáng lập viên là Khu CNC Hòa Lạc HHTP, Công ty Cổ phần Công nghệ DTT, INTEL và DELL Việt Nam".
Các đại biểu cắt băng khánh thành Phòng thí nghiệm IoT Hòa Lạc. Ảnh Loan Lê. HIL tọa lạc trong tòa nhà Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao – Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc. Bên cạnh Khu Trưng bày, giới thiệu, demo thử nghiệm về các công nghệ IoT như Smart Home, Smart City, IoT trong công nghiệp, IoT Giao thông thông minh, IoT trong các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục, HIL cũng được các nhà cung cấp như DELL và INTEL hỗ trợ các nền tảng phát triển, các thiết bị và công nghệ mới chưa được thương mại hóa.
Hòa Lạc IoT Lab bao gồm các phòng làm việc, nghiên cứu cho các tổ chức, chuyên gia và các nhóm khởi nghiệp IoT cũng như cung cấp các nền tảng phát triển ứng dụng, tổ chức các khóa đào tạo, sự kiện/ hội thảo liên quan đến IoT. Với vai trò là cầu nối giữa công nghệ và thực tiễn, HIL sẽ xây dựng một cơ chế mở để thu các thành viên quan tâm đến IoT cũng như khởi nghiệp IoT. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sẽ được trưng bày sản phẩm công nghệ IoT của mình tại phòng Lab.
Khởi nghiệp là đối tượng phục vụ chính của HIL, các cá nhân và tổ chức khởi nghiệp IoT sẽ được tiếp cận và tham gia HIL miễn phí. Ngoài các tiêu chí nhất định để tham gia vào HIL thì về cơ bản, HIL xác định hoạt động theo cơ chế mở, càng nhiều thành viên tham gia càng tốt. Cá nhân, tổ chức muốn tham gia vào HIL phải đăng ký trước với Ban thư ký của HIL, sau đó họ có thể sử dụng các phòng thí nghiệm, tham gia trình bày, giới thiệu công nghệ tại đây, thậm chí là trong thời gian dài.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Ban Khoa học công nghệ, Khu CNC Hòa Lạc cho biết: "Tới đây, HIL sẽ mở rộng các thành viên và mời các đơn vị tham gia phát triển IoT, cung cấp các giải pháp, phát triển ươm tạo. Đối tượng có thể là các nhóm khởi nghiệp hoặc các doanh nghiệp ứng dụng IoT. Hiện nay HIL cũng đã nhận được sự quan tâm của nhiều các đơn vị như VNPT, Mobiphone, Vinaphone, các trung tâm ươm tạo... Chúng tôi dự định sẽ mở thêm chi nhánh ở những địa điểm khác thuận tiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia.".
Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT đang giới thiệu các giải pháp công nghệ của DTT với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương tại phòng thí nghiệm IoT Hòa Lạc. Ảnh Loan Lê.
Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ DTT cho biết: "Cơ chế thu hút các thành viên tham gia HIL sẽ được thực hiện trên quan điểm mở, chúng tôi hướng đến việc tạo điều kiện cho các startup, các sinh viên được dùng miễn phí phòng Lab".
"Theo tôi càng dùng nhiều thứ miễn phí thì cơ hội thành công của các Startup càng cao, sản phẩm của các bạn làm ra càng hợp chuẩn công nghiệp. Các bạn không chỉ được tham gia các hoạt động chuyển giao công nghệ mà còn được học hỏi kinh nghiệm từ các hãng như Intel, Dell, trong đó có cả những bài học không được học ở trường. Ngoài ra, các sản phẩm đưa vào đây có thể chưa được các hãng thương mại hóa, các startup tham gia HIL có thể viết ứng dụng hoặc thực hiện những giải pháp trên đó, đến khi thiết bị này có sẵn trên thị trường thì các startup sẽ có một giải pháp tương ứng", ông Trung chia sẻ thêm.
Ông Nghiêm Xuân Chiến, Giám đốc quốc gia Khối doanh nghiệp Dell Việt Nam phát biểu: “Nhiệm vụ cơ bản của các IoT Labs là tạo ra hạ tầng chuẩn để các đơn vị phát triển giải pháp có thể thử nghiệm, kiểm tra và hoàn thiện giải pháp IoT của họ trước khi đưa ra thị trường. Với hệ thống sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, Dell giúp các đơn vị giải pháp có thể thương mại hóa sản phẩm của mình trong thời gian ngắn nhất, với một tầm phủ thị trường rộng lớn nhất. Đồng thời giải phóng họ khỏi sự lo lắng về tính sẵn sàng và chất lượng của các thiết bị cần thiết".
Được biết, Ban Quản lý Hòa Lạc IoT Lab cũng đã dự kiến các hoạt động sẽ được tập trung triển khai trong 3 năm từ 2016 đến 2018. Theo đó, trong năm nay, ngoài việc hoàn thiện các hạng mục cơ sở hạ tầng, vận hành phòng Lab, Hòa Lạc IoT Lab dự định sẽ hoàn thiện tổ chức, quy chế hoạt động của phòng Lab; tổ chức tối thiểu 2 hội thảo về Khởi nghiệp IoT; tổ chức một số khóa đào tạo, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp IoT; cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp IoT thông qua hợp tác với các vườn ươm, các khu Coworking space…
Trong năm 2017, Ban quản lý HIL dự kiến duy trì hoạt động thường nhật về hỗ trợ khởi nghiệp IoT; tập trung mạnh vào ươm tạo các doanh nghiệp, nhóm, cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp IoT, trên cơ sở tận dụng ưu thế của Hòa Lạc - nơi tập trung thu hút về công nghệ, có các trường đại học với số lượng sinh viên công nghệ thông tin lớn trong khu vực và tại Hà Nội. Dự kiến mỗi quý trong năm sẽ tổ chức hội thảo về khởi nghiệp IoT nhằm quảng bá, kết nối nhu cầu giữa các bên. Đặc biệt, trong năm 2017, Hòa Lạc IoT Lab sẽ hỗ trợ khoảng 10 cá nhân/ nhóm/ doanh nghiệp khởi nghiệp IoT và chọn ra 3 ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng để tập trung hỗ trợ; đồng thời thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tập trung vào IoT.
Còn với năm 2018, Ban quản lý Hòa Lạc IoT Lab dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của phòng Lab: thành công trong việc ươm tạo tối thiểu 3 doanh nghiệp/nhóm/cá nhân khởi nghiệp IoT; tiếp tục các hoạt động quảng bá, tổ chức hội thảo, kết nối các công nghệ IoT giữa các nhà cung cấp, các ý tưởng công nghệ mang tính thực tiễn tới các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu.