Nhiều câu hỏi của báo chí gửi tới lãnh đạo Bộ KH&CN tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2016, tập trung vào giải pháp khắc phục sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường tại miền Trung như lượng độc tố tồn dư bao nhiêu, đến thời điểm nào lượng độc tố sẽ giảm…
Tìm độc tố tồn dư tại 4 tỉnh ven biển
Xoay quanh sự số hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung thời gian qua, dù nguyên nhân đã được công bố song vẫn có nhiều câu hỏi được các nhà báo đặt ra với mong muốn tìm giải pháp khôi phục môi trường.
Điều hành và trả lời tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã khẩn trương vào cuộc, phối hợp với các bộ, ngành, các nhà khoa học, lập hội đồng khoa học tìm ra nguyên nhân, chứng cứ vụ việc. Việc đưa ra giải pháp khắc phục sự cố này là bài toán cần có thời gian dài và sự chia sẻ trách nhiệm của nhiều cơ quan - trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường.
PGS-TS Vũ Đức Lợi - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học tìm nguyên nhân sự cố - cho biết, Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đang tiếp tục phối hợp đo đạc tại 13 mặt cắt vào nhiều thời điểm để tìm hiểu độc tố biến thiên thế nào; trong quá trình giải hấp, nồng độ độc tố giảm dần hay vẫn giữ nguyên… Kết quả này sẽ là cơ sở để đưa ra phương án xử lý ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.
“Các dữ kiện sẽ được thu thập và nghiên cứu. Dự kiến trong tháng 10 sẽ có kết quả” - TS Lợi cho biết.
Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển, TS Lê Văn Cát - Viện Hóa học Việt Nam - nhận định, việc đưa ra được kết luận nguyên nhân sự cố môi trường này chỉ trong hơn 2 tháng thể hiện nỗ lực lớn của các nhà khoa học.
“Việc tiếp theo bây giờ là đưa ra phương pháp đánh giá tính độc, khả năng độc tồn dư bao nhiêu trong môi trường biển tại khu vực này. Có điều đáng lưu ý là hệ sinh thái sẽ không thể phục hồi như trước. Nói một cách dễ hình dung, nếu như trước đây vùng này có 7 con sò thì bây giờ chỉ còn 3 con. Cá trước đây có 15 con thì giờ có khi còn 6 con. San hô thì rất lâu mới phục hồi được. Sắp tới, nếu cách vận hành của Nhà máy Formosa không được cải thiện thì nguy cơ phát triển tảo độc ở vùng biển này là khó tránh” - TS Cát nói.
Sắp trao các giải thưởng lớn về KH&CN
Nhìn lại kết quả công tác quý II/2016, Bộ KH&CN cho biết đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Thông tư 07/2016/TT-BKHCN ngày 22/4/2016 quy định quản lý chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025; thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT ngày 5/4/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp…
Bộ đã hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa; chuẩn bị ý kiến về các nghị định quy định về kinh doanh mũ bảo hiểm... Bộ cũng hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt một số đề án như thành lập Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc; chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020...
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng cho biết, trong quý III, Bộ KH&CN tham gia tổ chức chương trình Gặp gỡ Việt Nam 2016, xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN.
“Dự kiến lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN sẽ được tổ chức vào dịp mồng 2/9 tới” - Thứ trưởng Phạm Công Tạc thông tin.
Tại buổi họp báo, một số phóng viên đề cập đến chuyện thử nghiệm phương tiện lặn của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa tại Thái Bình. Các câu hỏi xoay quanh việc đánh giá cũng như hỗ trợ của Bộ KH&CN đối với thiết bị này.
Ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN - cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Quốc phòng lên phương án thử nghiệm.
Theo đó ngày 3/7, Bộ Tư lệnh Hải quân, Viện Kỹ thuật hải quân đã tiến hành thử nghiệm phương tiện lặn Hoàng Sa của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa. Theo quy trình của Bộ Tư lệnh, hiện phương tiện này mới được thử nghiệm ở trạng thái nổi và bước đầu thành công. Trạng thái chìm hiện vẫn chưa được thử nghiệm.
“Sắp tới, phương tiện lặn này sẽ được thử nghiệm tiếp trạng thái chìm. Khi có kết quả, Bộ Quốc phòng sẽ có đánh giá tổng thể và báo cáo với Chính phủ” - ông Dương cho biết. |