GS Hiệu cho biết Việt Nam đang tiến nhanh trên con đường hội nhập quốc tế. Nhờ quá trình này mà công nghệ cao đang rất phát triển ở Việt Nam, nhưng để làm cơ sở cho sự phát triển của công nghệ cao, chúng ta cần tăng cường nghiên cứu cơ bản.
Tuy nhiên, câu hỏi khiến GS-VS Nguyễn Văn Hiệu trăn trở là nên phát triển khoa học cơ bản gì ở nước ta khi hàng loạt vấn đề cùng tồn tại: Đó là tình trạng bệnh tật tràn lan, bệnh viện quá tải; là yêu cầu cấp thiết tạo ra những giống cây con đặc sản xuất đi các nước của một nước nông nghiệp như chúng ta, là việc muốn phát triển các ngành công nghiệp thì phải sản xuất được những loại vật liệu có chất lượng cao, tính năng hoàn toàn mới; đối mặt với các vấn đề của biến đổi khí hậu như tình trạng hạn hán, lũ lụt, tình trạng xâm ngập mặn,... ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ hay như các tỉnh miền núi phía Bắc.
Câu trả lời được ông đưa ra là phát triển khoa học về sự sống. Ngành khoa học này sẽ giúp người Việt tăng cường sức khỏe, để bệnh viện không quá tải, để tạo ra được sản phẩm nông sản xuất sắc, để nghiên cứu về biến đổi khí hậu...
"Là một nhà vật lý, tôi thấy rất cần phát triển khoa học về sự sống. Thực tế là nhiều năm nay, chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ đã rất chú trọng phát triển khoa học về sự sống. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từ năm 2002 đã sáng suốt mở ra hướng nghiên cứu ưu tiên về công nghê nano, khoa học nano" - GS Nguyễn Văn Hiệu nói.
>> Nghe toàn văn phát biểu quan trọng của GS Nguyễn Văn Hiệu tại Hội thảo Khoa học cơ bản và xã hội trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Việt Nam 2016 đang diễn ra tại TP Quy Nhơn (Bình Định)Audio phát biểu của GS Nguyễn Văn Hiệu tại hội thảo
Trước thực trạng nhiều tỉnh Nam Trung Bộ nước ta đang phải chống chọi với những tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu, GS Hiệu nói: "Những vấn đề khoa học cơ bản về biến đổi khí hậu phải là ưu tiên của Việt Nam. Cộng đồng khoa học trong và ngoài nước có thể đến đây nghiên cứu, tìm ra được các quy luật, phổ biến cho các nước khác. Tôi mong muốn sau hội nghị này, Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành sẽ tạo điều kiện mở rộng hướng nghiên cứu cơ bản sang những lĩnh vực cơ bản cần thiết cho người nông dân, công nhân Việt Nam, dân các vùng đặc biệt là những vùng như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, miền núi phía Bắc…
"Tôi mong sau hội nghị này, chúng tôi nghe được lời khuyên của bạn bè đồng nghiệp thế giới, của cộng đồng khoa học Việt Nam, để báo cáo với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, báo cáo với Chính phủ để có hướng đi rõ rệt cho nghiên cứu cơ bản" - GS Hiệu cho biết.