Người đứng đầu Huawei khẳng định rằng, công ty đang nắm trong tay nhiều công nghệ tiên tiến mà thậm chí cả Mỹ cũng không có và đó có thể là lý do Mỹ muốn tấn công Huawei để kìm hãm mối đe dọa tiềm tàng này.
Từ một người ít khi xuất hiện trước công chúng, sáng lập gia Huawei - ông Nhậm Chính Phi - gần đây đã có nhiều phát biểu trên sóng truyền hình và cả với truyền thông phương Tây.
Mới đây trong một cuộc phỏng vấn với chuyên trang tài chính Bloomberg, CEO kiêm đồng sáng lập Huawei đã có những chia sẻ nhanh về quan điểm của ông trước nhiều câu hỏi xoay quanh công ty .
Khi phóng viên hỏi "Ông sẽ nói gì khi có người nghĩ rằng Huawei đã đánh cắp công nghệ của Mỹ và sự phát triển của Huawei chủ yếu dựa vào hành động trộm cắp công nghệ của nước Mỹ?".
Ông Nhậm trả lời: "Mỹ thậm chí còn chưa có công nghệ đó, vậy thì chúng tôi đánh cắp ở đâu? Nhiều khả năng Mỹ còn cắp công nghệ của chúng tôi bởi vì Huawei hiện đang đi trước nước Mỹ. Nếu chúng tôi lạc hậu, Trump sẽ không thèm đàn áp chúng tôi đâu. Ông ấy chỉ tấn công Huawei vì thấy chúng tôi đang dẫn trước mà thôi".
Ông Nhậm nói thêm: "Mỹ chưa bao giờ mua sản phẩm từ chúng tôi. Ngay cả khi Mỹ muốn mua sản phẩm của Huawei trong tương lai, tôi có thể sẽ không bán cho họ. Sẽ không có bất cứ cuộc đàm phán nào".
Trong cuộc phỏng vấn, phóng viên có đề cập đến việc có nhiều suy đoán cho rằng, Trung Quốc sẽ trả đũa Mỹ bằng cách tấn công Apple. Tuy nhiên trái ngược với những suy đoán kia, sáng lập gia Huawei nhấn mạnh: "Trước hết điều đó sẽ không bao giờ xảy ra và thứ hai nếu nó xảy ra, tôi sẽ là người đầu tiên phản đối điều đó".
Ngoài ra, ông Nhậm cũng dành những mỹ từ khác cho Apple và cho rằng, Táo Khuyết là công ty dẫn đầu thế giới và sẽ thật khó để thiếu Apple.
Ông chia sẻ: "Apple là công ty hàng đầu thế giới. Nếu không có Apple, sẽ không có Internet di động. Apple giống như người thầy của tôi vậy, người đã đi trước chúng tôi. Với vai trò là một học sinh, tại sao tôi nên chống đối lại giáo viên của mình chứ? Tôi sẽ không làm như thế đâu".
Trước đó các nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Goldman Sachs cho biết, nếu các sản phẩm của Apple bị cấm tại Trung Quốc, công ty có thể mất tới khoảng 1/3 lợi nhuận. Theo các nhà phân tích tại Fitch Ratings, Apple sẽ là một nạn nhân của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Hãng sẽ mất đáng kể thị phần tại Trung Quốc trong thời gian tới.
Trong một cuộc họp hồi tháng trước, CEO Tim Cook cho biết, doanh số iPhone tại Trung Quốc chỉ có thể tăng trở lại nếu đối thoại thương mại giữa hai nước tìm được sự đồng thuận.
Nhưng kể từ đó đến nay, các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh liên tục bị phá vỡ. Cả hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung, thậm chí còn làm leo thang căng thẳng. Phía Mỹ đã nâng mức thuế lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Đáp lại phía Trung Quốc cũng áp thuế quan trả đũa lên 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.
Đỉnh điểm của căng thẳng là khi chính quyền Trump ký sắc lệnh cấm các công ty nước này làm ăn với Huawei cách đây 2 tuần. Sau đó hàng loạt các công ty Mỹ có mối quan hệ đối tác quan trọng với Huawei như Google, Microsoft, Intel, Qualcomm, Broadcomm đã đồng loạt "nghỉ chơi" với hãng.
Hệ lụy sau đó vẫn tiếp tục dai dẳng khi nhiều nhà mạng tại Anh, Nhật Bản đã dừng nhập smartphone của Huawei. Nhiều thị trường Châu Âu và Châu Á cũng náo loạn sau khi biết thông tin Google dừng hợp tác với Huawei.
Ngay sau đó, Bộ thương mại Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm thêm 3 tháng để hai bên có thể sớm tìm được giải pháp chung. Tất nhiên phía Huawei nói riêng và Trung Quốc nói chung không quá quan trọng việc làm hòa với Mỹ vì họ đã chủ động có phương án dự phòng từ trước. Mặc dù vậy, tổng thống Trump đã bỏ ngỏ khả năng dỡ lệnh cấm cho Huawei nếu như đạt được lợi ích trên bàn đàm phán với Bắc Kinh.
Hãng nghiên cứu Fitch Ratings tin rằng, lệnh cấm của chính quyền Trump sẽ tạo ra một sự xáo trộn lớn trên thị trường smartphone toàn cầu. Đặc biệt lệnh cấm này cũng sẽ mang lại lợi ích cho Samsung và các hãng smartphone khác.