Vừa có sự mạnh mẽ quyết đoán của lãnh đạo doanh nghiệp vừa có sự uyển chuyển, linh hoạt của người phụ nữ, nhiều nữ doanh nhân đã chèo lái doanh nghiệp đi qua cơn bão đại dịch.
Các nữ doanh nhân vừa có buổi chia sẻ câu chuyện "Đi qua mùa bão" COVID của doanh nghiệp mình tại tọa đàm chiều 27/10 nhân kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE).
Theo bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, COVID-19 đã liên tục thử thách tài chèo lái của các nữ doanh nhân.
Trong cơn bão nào cũng vậy, dù ở gia đình hay doanh nghiệp, chính các thế mạnh của người phụ nữ đã giúp họ tránh được rủi ro. Cảm xúc, sự căn cơ, uyển chuyển mang lại cho các nữ doanh nhân những hiệu quả to lớn trong kinh doanh.
Nhớ lại thời điểm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2017 tại Nhật Bản, khi được hỏi về những khó khăn của doanh nhân nữ, bà đã chia sẻ quan điểm rằng, tố chất của doanh nhân cả nam và nữ đều giống nhau ở sự mạnh mẽ, bản lĩnh, quyết đoán và sự thấu đáo. Nhưng ở người phụ nữ còn hơn một điểm, đó là họ có sự bao dung, uyển chuyển, và có tấm lòng của người mẹ trong ứng xử với nhân viên, đồng nghiệp và có sự điềm tĩnh trước mọi việc xảy ra. Những điểm mạnh đó tiếp tục trở thành thế mạnh để những người lãnh đạo doanh nghiệp như bà giữ được bình tĩnh, lạc quan trong thời gian vừa qua.
Đồng tình với ý kiến này, bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Đà Nẵng, cho rằng nếu doanh nhân nam có điểm mạnh là sức bật và sự quyết đoán thì nữ doanh nhân lại có sự bền chí, cẩn trọng, tỉ mỉ và giàu cảm xúc. Trong đó, sự thấu cảm là yếu tố vô cùng quan trọng để kết nối đội ngũ, thấu hiểu những khó khăn của nhân viên và cộng sự, từ đó tìm ra những giải pháp củng cố nhân sự, làm cho nội lực doanh nghiệp mạnh lên.
Một bằng chứng về sự uyển chuyển đó phải kể đến Digiworld. Theo bà Tô Hồng Trang – Phó Tổng giám đốc của Digiworld, doanh nghiệp này vốn là nhà phân phối các sản phẩm điện tử và đã gặp thách thức lớn bởi lâu nay chỉ bán hàng qua kênh phân phối truyền thống. Tuy nhiên, khi giãn cách xã hội, các cửa hàng bán lẻ đều đóng cửa, Digiworld không gặp khó khăn nào, thậm chí doanh số còn tăng 10% và lợi nhuận tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Đây là kết quả của việc đón đầu xu thế và có sự chuẩn bị trước” – bà Trang nói. Cụ thể, Digiworld đã chuyển mình để từ một công ty phân phối sản phẩm đơn thuần trở thành nhà phát triển thị trường đúng nghĩa, làm tất cả các khâu từ nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm, lên chiến lược kinh doanh, marketing và nhập hàng về bán.
Không dừng lại ở phân phối sản phẩm công nghệ, Digiworld mở rộng ra các ngành khác như thực phẩm, chăm sóc sức khỏe… dựa trên các năng lực sẵn có như khả năng quản trị doanh nghiệp, quản lý dòng tiền tốt, đội ngũ kinh doanh tốt…
“Phái mạnh giỏi trong việc nắm bắt thời cơ nhưng vận hành doanh nghiệp lại là cái tài của nữ giới. Trong thời đại kinh tế số, trong 3 chìa khóa quyết định thành công của doanh nghiệp, thì yếu tố vận hành được đặt lên đầu tiên. Để vận hành tốt cần sự tỉ mỉ, chăm chút từng chi tiết nhỏ, giảm tối đa chi phí. Chìa khóa quan trọng nhất là thế mạnh của phụ nữ cho thấy vai trò của nữ doanh nhân sẽ tiếp tục được khẳng định trong thời gian tới” – bà Tô Thị Hồng Trang nói thêm.