TS. Đặng Trần An (ĐH Thủy lợi) và các cộng sự Việt Nam, nước ngoài đã phát hiện ra, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn ở các tầng ngậm nước ven biển ĐBSCL là do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức.
Công bố “Intensified salinity intrusion in coastal aquifers due to groundwater overextraction: a case study in the Mekong Delta, Vietnam” (Tình trạng xâm nhập mặn ở các tầng ngậm nước là do khai thác nước ngầm quá mức: trường hợp của ĐBSCL) được xuất bản trên tạp chí Environmental Science and Pollution Research.
Mặn hóa nước ngầm là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở các tầng ngậm nước ven biển trên toàn thế giới, nguyên nhân là do sự mặn hóa trong các hệ cung cấp nước ngầm vì những mục tiêu khác nhau. Độ mặn hóa cao trong nước ngầm có thể vào tới vài km trong đất liền và có thể ảnh hưởng đến hệ thống cung cấp nước ven biển và sức khỏe với con người. Bằng việc sử dụng mô hình SEAWAT – một mô hình vận chuyển chất hòa tan và lưu lượng nước ngầm đa biến, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tác động của việc bơm nước ngầm và động lực học dòng chảy nước ngầm ở ĐBSCL và đưa ra sáu kịch bản tương lai. Kết quả cho thấy, việc bơm nước ngầm và sự thay đổi của hệ thống dòng chảy nước ngầm đã ảnh hưởng đến sự suy giảm mực nước ngầm và sự di chuyển mặn từ các lớp trên xuống các lớp dưới. Độ mặn cao dự kiến sẽ mở rộng xuống độ sâu 150 m và 2.000 m về các khu vực xung quanh khi công suất bơm nước ngầm ngày càng tăng. Do đó, nếu giảm tốc độ bơm nước ở cả từ cả quy mô địa phương và khu vực thì sẽ góp phần phục hồi mực nước ngầm và bảo vệ các tầng ngậm nước không bị nhiễm mặn.
Anh Vũ