Thị trường khẩu trang trong nước đã dần bão hòa nhưng nhu cầu của thế giới lại bắt đầu tăng vọt, tạo cơ hội tình thế cho các công ty dệt may Việt Nam, dù đây không phải mặt hàng họ ưa thích vì giá trị và lợi nhuận thấp.

Công nhân sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Hưng Yên trong mùa dịch COVID-19 | Ảnh: Zing
Công nhân sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở Hưng Yên trong mùa dịch COVID-19 | Ảnh: Zing

Ngày 8/4/2020, Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh Mỹ (HHS) đã phát ra tuyên bố sẽ cung cấp hàng triệu bộ quần áo bảo hộ y tế Tyvek cho các nhân viên y tế ở Mỹ, bởi họ đã ký hợp đồng với Tập đoàn hóa chất DuPont trụ sở tại Mỹ. HHS cho biết họ đang chờ 2,25 triệu bộ Tyvek của DuPont chuyển đến trong vòng 5 tuần tới và có thể sẽ tiếp tục đặt mua thêm 4,5 triệu bộ.

Chuyến hàng thứ nhất trong số hai lô hàng đầu tiên với hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ của DuPont được sản xuất tại Việt Nam đã rời Hà Nội vào ngày 7/4 và cập bến Dallas, Texas. Đại sứ quán Mỹ cho biết họ đã nhận được sự giúp đỡ của chính phủ Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển và phê duyệt cần thiết để xuất khẩu.

Trong cuộc họp báo thường kì hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết lô hàng thứ 2 của DuPont sẽ được chuyển đến Mỹ vào ngày 10/4. Các phát ngôn chính thức của hai nước trong thời gian qua luôn nhấn mạnh tinh thần hợp tác quốc tế để chống đại dịch COVID-19.

HHS cho biết để đảm bảo vật tư được cung ứng trong thời gian nhanh nhất và duy trì nguồn cung ổn định cho nhân viên y tế ở tuyến đầu, chính phủ Mỹ sẽ chuyển nguyên vật liệu sang Việt Nam mỗi tuần để cơ sở chế tạo tiếp tục sản xuất đồ bảo hộ.

Cơ hội việc làm cho nhân công Việt Nam

Không chỉ với Mỹ, chiều 7/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng đã trao tượng trưng số hàng hỗ trợ - gồm 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn do Việt Nam sản xuất - tặng chính phủ và nhân dân các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19.

Trước đó, chiều ngày 7/4, trong cuộc họp với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Tổng Công ty May 10 ông Thân Đức Việt cho biết, hiện công ty có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu May 10 trong năm 2020); ngoài ra, một đối tác khác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải cùng 6 triệu khẩu trang y tế.

Nhà máy Dupont ở Bình Dương cho biết để hoàn thành lô hàng 450.000 bộ đồ Tyvek cho Mỹ, họ đã kêu gọi hơn 2.000 nhân công lao động làm việc gấp gáp trong 2 tuần để hoàn thành đúng tiến độ.

Có thể thấy mùa dịch và nhu cầu sản phẩm y tế toàn cầu tăng cao đã tạo ra cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam. Thông qua việc chi tiêu công của các chính phủ và đặt hàng doanh nghiệp, người lao động cũng gián tiếp được hưởng lợi khi có được cơ hội việc làm trong ngắn hạn.

Sản phẩm tình thế

Trong những ngày xảy ra dịch COVID-19, dệt may là một trong những ngành bị tổn hại nặng nề của Việt Nam. Theo Forbes Việt Nam, nếu dịch kết thúc vào khoảng tháng 6 năm nay thì ngành dệt may sẽ thiệt hại khoảng 12.000 tỉ đồng. Toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 70% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến 80% doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm nhân sự trong tháng 4 và tháng 5.

Mặc dù đến nay, thị trường khẩu trang trong nước đã dần bão hòa nhưng nhu cầu của thế giới lại bắt đầu tăng vọt. Sản xuất mặt hàng khẩu trang được coi là đơn giản nhất trong số các mặt hàng dệt may, không cần quá nhiều đầu tư, nên nhiều nhà máy lớn đã có kế hoạch chuyển đổi tạm thời từ tháng trước. VinaTex cho biết hiện họ có thể đáp ứng nhu cầu 40 triệu chiếc khẩu trang/tháng.

Tuy có năng lực sản xuất nhưng khẩu trang dù sao cũng không phải mặt hàng ưa thích của các công ty, vì giá trị và lợi nhuận đều thấp hơn những sản phẩm phức tạp, cao cấp và có khả năng đáp ứng những thị trường khó tính khác của họ. Đại diện May 10 cũng bày tỏ vướng mắc về quy định hạn mức tỷ lệ đồ y tế xuất khẩu và thiếu các hướng dẫn xuất khẩu của Chính phủ trong tình hình này.

Theo thông tin trên trang thông tấn Sputnik News có văn phòng tại Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho rằng hiện tại rất khó để khẳng định được việc liệu Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất khẩu trang cho thế giới hay không.

Nhiều nhà máy dệt may của Việt Nam phải đối mặt với khó khăn ở đầu ra khi không thể tìm được người mua hàng thích hợp hoặc không đạt được tiêu chuẩn về y tế của khách hàng. Nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung nguyên liệu của Trung Quốc. Đất nước này không chỉ đang trong giai đoạn phục hồi mà còn cạnh tranh nhiều sản phẩm y tế tương tự Việt Nam và một loạt quốc gia khác.

Đồng quan điểm, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng việc sản xuất khẩu trang chỉ là phương án tạm thời giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trong dịch Covid-19, nhưng khi dịch bệnh qua đi, các công ty sẽ cần cân nhắc trong việc điều chỉnh chiến lược sản xuất của mình.

Bộ Công Thương Việt Nam thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu nhập khẩu khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ y tế từ các thị trường khu vực châu Âu – châu Mỹ cho dịch COVID-19, kèm theo đầu mối liên lạc.

Bộ Công thương cũng cập nhật danh sách 5.000 doanh nghiệp xuất khẩu và 100 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, vật tư y tế của Việt Nam có nhu cầu tìm đối tác đặt hàng trong mùa dịch COVID-19.

Thông tin xem tại đây:https://moit.gov.vn/