Hai văn phòng quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc Bộ KH&CN cho biết, một mặt dịch Covid-19 làm chậm tiến độ nhiều nhiệm vụ nhưng mặt khác, nó lại thúc việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các văn phòng này.

Ngày 25/12, Khối Văn phòng quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia - gồm Văn phòng các Chương trình KH&CN Quốc gia (VPCTQG) và Văn phòng các Chương trình Trọng điểm cấp Nhà nước (VPCTTĐ) - đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Dịch Covid-19 làm chậm tiến độ các nhiệm vụ

Ông Nguyễn Thiện Thành, Giám đốc VPCTTĐ, cho biết, năm 2020, Văn phòng đang thực hiện trên 600 nhiệm vụ (trong đó trên 200 nhiệm vụ thuộc các chương trình trọng điểm). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến cuối năm mới chỉ có hơn 150 nhiệm vụ được nghiệm thu, còn lại sẽ được gia hạn đến tháng 3/2021.

Đối mặt với tình huống tương tự, ông Đỗ Thành Long, Giám đốc VPCTQG, cũng thông báo trong 218 nhiệm vụ đang thực hiện năm 2020, mới chỉ có 68 nhiệm vụ được nghiệm thu.

Tuy vậy, cả 2 văn phòng đều đã giải ngân trên 90% kinh phí để đảm bảo tiến độ thực hiện thuận lợi nhất cho các chương trình.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin

Trong bối cảnh dịch Covid-19, VPCTQG đã thúc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin. Năm nay, 100% gói thầu của Theo VPCTQG được thực hiện đấu thầu qua mạng. Từ tháng 3/2020, cơ quan này đã nhanh chóng thiết lập các hệ thống trực tuyến và làm việc bình thường với các đối tác từ tháng 4-5.

Có hơn 100 cuộc họp trực tuyến đã diễn ra trong năm 2020, đặc biệt ở Chương trình Nghị định thư và Chương trình Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, thu hút hàng chục nghìn người tham dự và giúp các dự án cắt giảm được hơn 10% chi phí, theo báo cáo của ông Đỗ Thành Long.

Cuối năm 2020, VPCTQG đã bắt đầu triển khai hệ thống phần mềm nội bộ để quản lý các nhiệm vụ. Dự kiến khi thử nghiệm thành công, hệ thống này sẽ được chia sẻ với các đơn vị tương tự trong Bộ KH&CN.

Đặc biệt, năm nay, cả hai Văn phòng đều thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và ban hành các sổ tay hướng dẫn tương ứng để tiêu chuẩn hóa các hoạt động một cách minh bạch với những bên liên quan.

Đẩy mạnh truyền thông kết quả các nhiệm vụ KH&CN

Năm 2020, VPCTQG cho biết đã "rút kinh nghiệm và đẩy mạnh truyền thông các kết quả nghiên cứu trên nhiều kênh truyền hình, báo chí, website và facebook và nhận được phản hồi tích cực từ phía bên quản lý và cộng đồng doanh nghiệp triển khai".

Do vậy, với kế hoạch năm 2021, hai Văn phòng đều nhấn mạnh sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các kết quả nghiên cứu khoa học của các nhiệm vụ KH&CN đã được đánh giá và nghiệm thu nhằm quảng bá và xúc tiến chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

VPCTQG cho biết họ có thể sẽ tổ chức một buổi giới thiệu các kết quả triển khai nhiệm vụ tiêu biểu từ trước đến nay, coi đây là dịp chia sẻ và thúc đẩy xây dựng mạng lưới giữa các bên liên quan vào giữa năm 2021.

Tiếp tục sửa đổi quy trình quản lý và các văn bản pháp lý

Theo các nhà quản lý, quá trình thực hiện các Chương trình KH&CN đã bộc lộ điểm yếu mà nhiều người tham gia phàn nàn là "nặng tính hành chính" và "gây chậm trễ về tài chính". Điều đó đòi hỏi các Văn phòng cần nỗ lực sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan.

Chẳng hạn, theo ông Nguyễn Thiện Thành, một số Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ KH&CN như Thông tư 207 (năm 2013) về quản lý tài chính chương trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015 và Thông tư 55 (năm 2015) về xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước sau nhiều năm áp dụng đã tỏ ra lạc hậu và vẫn chưa được sửa dù hai Bộ đã có các buổi làm việc chung.

Ông Thân Ngọc Hoàng, Vụ Phát triển KH&CN địa phương, cũng nhấn mạnh rằng bản thân những thông tư của Bộ KH&CN như Thông tư 11 (năm 2014) về đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước, hay Thông tư 17 (năm 2015) về quản lý nhiệm vụ cấp địa phương sử dụng ngân sách nhà nước đều cần sửa đổi để tạo hành lang thông thoáng hơn.

Liên quan đến quy trình quản lý các nhiệm vụ, bà Trần Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, góp ý, các kết quả nghiên cứu KH&CN cần có độ trễ để chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn, do vậy nên "thiết lập các cơ chế để nhà khoa học và tổ chức chủ trì cập nhật tính hiệu quả sau khi kết thúc nhiệm vụ."

Theo bà, điều này sẽ giúp "chứng minh cho Chính phủ và người dân thấy các đồng tiền đầu tư cho KH&CN mang lại lợi ích gì" để từ đó thúc đẩy việc ứng dụng KH&CN vào đời sống.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đề nghị thời gian tới hai Văn phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong Bộ KH&CN để tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng trong mô hình tổ chức, xây dựng văn bản pháp luật; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Năm 2020 cũng là năm kết thúc của nhiều Chương trình KH&CN và thực hiện tái cơ cấu các Chương trình quốc gia, do vậy Thứ trưởng yêu cầu các Văn phòng sớm hoàn thiện các thủ tục rà soát, đánh giá để các cấp có thẩm quyền phê duyệt mở ra Chương trình cho giai đoạn mới 2021-2025.