Cổng thông tin này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận các dữ liệu, thông tin liên quan tới các cam kết thương mại tự do mà Việt Nam tham gian, từ đó xây dựng chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại lễ ra mắt cổng thông tin điện tử về hiệp định thương mại tự do Việt Nam ngày 23/12 | Nguồn: BTC
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại lễ ra mắt Cổng thông tin Điện tử về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam ngày 23/12/2020 | Nguồn: BTC

Sau gần 2 năm nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm, ngày 23/12, Cổng thông tin Điện tử về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam (FTAP) đã chính thức được khai trương tại địa chỉ https://fta.moit.gov.vn/.

Cổng thông tin này do Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành thực hiện, dưới sự tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác quốc tế, bao gồm Chính phủ Úc và Ngân hàng Thế giới.

Các hiệp định thương mại toàn cầu trong hai thập kỷ qua đã đưa Việt Nam từ chỗ gần như đóng cửa trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới. Thương mại quốc tế góp phần đưa GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng 5,4 lần – từ khoảng 500 USD/người năm 1992 lên hơn 2.700 USD/người năm 2019. Tỷ lệ nghèo đói giảm từ gần 53% xuống còn khoảng 2%.

Tuy nhiên, việc biến các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thành lợi ích trực tiếp không phải dễ dàng – đặc biệt là với 2 hiệp định toàn diện thế hệ mới Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

Theo nhận định của Chính phủ, một trong những thách thức hiện nay là làm sao để các doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng và đầy đủ về nội dung cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới liên quan đến họ, từ đó giúp doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ thông tin để tận dụng “đòn bẩy” này một cách hiệu quả.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Vinatex, cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi đứng trước việc lựa chọn áp dụng FTA nào có lợi nhất cho mình về thuế quan và quy tắc xuất xứ. Chính vì thế, việc tiếp cận để có câu trả lời nhanh nhất về sử dụng FTA nào trong từng trường hợp kinh doanh là hết sức quan trọng"

Theo các nhà phát triển, cổng thông tin FTAP là “nguồn tham khảo toàn diện và đầy đủ tin tức” liên quan đến các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Người dùng có thể truy cập tại chỗ, thay vì phải tự tìm tòi hoặc liên hệ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau để có được thông tin.

Cổng thông tin bao gồm: Toàn văn các hiệp định FTA; Tổng hợp thông tin mới nhất về hoạt động trong hiệp định; Phân loại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư từ Việt Nam đi và tới Việt Nam; Tra cứu trực tuyến biểu thuế quốc gia của Việt Nam và các đối tác; Tìm kiếm thông tin về ưu đãi, số liệu thống kê xuất nhập khẩu, yêu cầu của quốc gia về kinh doanh các mặt hàng dịch vụ và đầu tư cụ thể; Thông tin các hoạt động như các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn, ấn phẩm hỗ trợ doanh nghiệp; Các dịch vụ trợ giúp và hỗ trợ khác....

Với mô hình tra cứu dạng "chỉ dẫn", "lựa chọn" và "hỏi đáp", nó cũng tạo ra giao diện đơn giản để cá nhân và doanh nghiệp có thể thường xuyên xem xét thông tin các loại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của mình.
Chức năng tra cứu hàng hóa trên cổng thông tin FTAP | Ảnh chụp màn hình
Chức năng tra cứu hàng hóa trên cổng thông tin FTAP | Ảnh chụp màn hình

Cổng thông tin FTAP cho phép tiếp cận thông tin theo thời gian thực và cho phép người dùng bổ sung thông tin, kinh nghiệm mới về các FTA mà mình tham gia, do vậy sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng điều chỉnh chiến lược hay thay đổi kế hoạch kinh doanh phù hợp với bối cảnh xung quanh.

Theo báo cáo trong thời gian thí điểm vừa qua, mỗi ngày cổng thông tin có hơn 2.000 lượt truy cập.

Cũng tại lễ ra mắt, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh rằng: "Từ khi Việt Nam ra nhập WHO năm 2007 đến nay, thế giới đã trở nên đa cực hơn, chủ nghĩa dân tộc trở nên mạnh mẽ và có lúc cực đoan hơn trong thương mại quốc tế, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước kiên định thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tếmà kết quả rõ rệt nhất là việc ra nhập và kí kết 14 hiệp định thương mại tự do."

"Cổng thông tin ra đời và đi vào hoạt động đã gửi đi một thông điệp về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa các hiệp định thương mại đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 gây nhiều cản trở toàn cầu", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thêm.