Dù năm nay chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) vẫn ghi nhận số đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đạt mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Kết quả này được báo cáo trong hội thảo tổng kết năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức vào ngày 24/12.
Theo Phó Cục trưởng Phan Ngân Sơn, năm 2020, số đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu,...) tại Cục Sở hữu trí tuệ tăng 1,7% so với năm 2019. Trong đó, đơn sáng chế tăng 3,8%; đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 4,3%; đặc biệt, đơn bảo hộ chỉ dẫn địa lý tăng 140%, cao nhất từ trước đến nay, đạt 24 đơn. Số bằng sở hữu công nghiệp được cấp ra cũng tăng 15,6% so với năm 2019; trong đó giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tăng gấp đôi, bằng độc
quyền sáng chế tăng 63% và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tăng 14,8%.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu trong hội thảo. Ảnh: TA
Mức tăng trưởng trên là kết quả của các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ mà Cục triển khai trong thời gian vừa qua.
“Đơn đăng ký sáng chế của Việt Nam tăng lên là nhờ một loạt các hoạt động tuyên truyền cũng như hiệu quả hoạt động của mạng lưới IP Hub giữa các cơ quan nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp,” ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách (Cục Sở hữu trí tuệ), lý giải. Còn đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý tăng vọt, theo ông, là nhờ Chương trình
phát triển tài sản trí tuệ trong giai đoạn 5 năm vừa qua với các dự
án hỗ trợ phát triển tài sản địa phương, "giờ đây đã đến lúc hái quả".
Bên cạnh thành tích, báo cáo cũng chỉ ra tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp vẫn còn nhiều, thậm chí có xu hướng tăng khi số đơn được xử lý hằng năm luôn thấp hơn số đơn nhận được.
Để giải quyết vấn đề này, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: “Chúng tôi đang trao đổi hợp tác với một số đối tác để tìm cách ứng dụng AI đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn, đặc biệt là đơn nhãn hiệu”.
Phát biểu với hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả mà Cục Sở hữu đã đạt được, đồng thời lưu ý trong năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, triển khai chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và đẩy nhanh xử lý đơn sở hữu công nghiệp.