Việc một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Đó là lý giải của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trong một cuộc phỏng vấn với Trung tâm Truyền thông Giáo dục về hoạt động tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.
Vài ngày qua, trên khắp các trang mạng xã hội xôn xao thông tin các đơn vị tổ chức kỳ thi IELTS gồm Hội đồng Anh (British Council) và Tổ chức giáo dục quốc tế IDP có thông báo hoãn thi gửi tới thí sinh. Không chỉ IELTS, các đơn vị tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Nhật Nat-test, kỳ thi năng lực Hán ngữ quốc tế (HSK & HSKK), kỳ thi Aptis cũng đưa ra thông báo tạm dừng tổ chức thi.
Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch xét tốt nghiệp, chuẩn bị hồ sơ du học và xét tuyển vào đại học. Thậm chí, đã có nhiều phụ huynh tính đến bước sẽ cho con qua Thái Lan, Singapore thi IELTS nếu cần thiết.
Trước những đồn đoán trên mạng xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết việc một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. “Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức/đơn vị (trong đó có Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục)”, ông nhấn mạnh.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các bên liên kết thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp, qua điện thoại, e-mail) và khẩn trương trong việc nghiên cứu các đề án và tổ chức thẩm định. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó Bộ GD&ĐT chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát.
Cụ thể, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Sau đó, Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT tiếp tục cụ thể hóa các yếu tố bảo đảm chất lượng theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.
Trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện văn bản, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp và gián tiếp đối với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước, quốc tế và đã nhận được sự đồng thuận. Thời gian lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức là 60 ngày theo quy định của pháp luật, nhưng trên thực tế dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT từ tháng 11/2021 và được ban hành vào cuối tháng 7/2022.
Có hiện tượng thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, việc tuân thủ theo những quy định này là điều cần thiết, nhất là khi thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ. Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của người dự thi lấy chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực ngoại ngữ của người lao động.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, “hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng”, ông cho biết.
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....
Theo ông, những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Nhằm hạn chế những tiêu cực trên, Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.
Các đơn vị/tổ chức cần làm gì để tiếp tục tổ chức hoạt động thi, cấp chứng chỉ?
Để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.
- Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài.
- Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết.
- Đề án tổ chức thi để cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.
Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 86/2018 là 20 ngày). Sau khi phê duyệt, Bộ GD&ĐT sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://moet.gov.vn để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát. |