Một trong những nội dung phối hợp quan trọng giữa hai bên là tham vấn, đóng góp ý kiến về các dự án luật và các nội dung liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân.
Chiều 9/11, Bộ KH&CN đã ký thỏa thuận phối hợp công tác với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hai cơ quan, đặc biệt trong thời gian Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo triển khai sửa đổi 4 luật chuyên ngành: Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; và Luật Năng lượng nguyên tử.
Theo đó, từ tháng 11/2022 - 7/2026, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV".
Đồng thời, Bộ KH&CN sẽ phối hợp tham vấn, đóng góp ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nội dung, vấn đề khác liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân.
Các nội dung phối hợp khác còn bao gồm: thực hiện các nhiệm vụ trong quy trình xây dựng pháp luật; các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; hỗ trợ triển khai các đề tài, đề án, hoạt động nghiên cứu; xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin,...
Theo ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, một số nhiệm vụ cụ thể mà hai bên có thể ưu tiên hợp tác là tập trung hoàn thiện các chế định pháp lý đồng bộ, thống nhất giữa KH-CN và ĐMST với chế định pháp lý về đầu tư, tài chính, chẳng hạn như Luật Giá, Luật Đấu thầu. “Đây chính là những luật ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả triển khai các nhiệm vụ KH&CN”, ông cho biết.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá, bản thỏa thuận sẽ là "một dấu mốc quan trọng để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ vốn đã rất khăng khít giữa hai cơ quan".
Trong nhiệm kỳ này, Bộ KH&CN đăng ký trình Quốc hội 5 luật (trong đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua vào tháng 6) với rất nhiều nhóm chính sách lớn. "Để thực hiện được nhiệm vụ này, Bộ KH&CN rất cần sự đồng hành và phối hợp của các ban, ủy ban, bộ, ngành, địa phương, trong đó có Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội”, Bộ trưởng cho biết.
Đồng thời, ông đề nghị các đơn vị đầu mối của hai cơ quan khẩn trương triển khai ngay các hoạt động cụ thể để hiện thực hóa các nội dung phối hợp như tổ chức hội thảo, hội nghị để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, nhà khoa học, nhà quản lý về các chủ trương, chính sách của ngành KH&CN (ví dụ như thí điểm chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường KH&CN, vấn đề xử lý tài sản hình thành từ các nhiệm vụ KH&CN, cơ chế tài chính, chi tiêu cho các nhiệm vụ KH&CN,...).