Các công ty CNTT Việt Nam còn thiếu khoảng 170 ngàn nhân sự trong năm 2024 để đảm bảo sự phát triển và cạnh tranh trên thị trường.

Ngày 28/3, tại TPHCM, Khu Công viên phần mềm Quang Trung QTSC phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TPHCM (DXCenter) tổ chức hội thảo “Đón đầu xu hướng – Vững bước tương lai”.

Theo bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc QTSC, nhu cầu về nhân lực CNTT vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó kinh doanh, IT - phần mềm là một trong những nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao. Việc thiếu hụt nhân lực hiện nay đang là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp và nhà trường. Trong số sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có 35% đáp ứng được ngay yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn của nhà tuyển dụng, số còn lại cần phải được đào tạo lại.

Ông Thái Hoàng Danh, Giám đốc Sản xuất phần mềm - Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển phần mềm LARION cho biết, hiện tại, lực lượng lao động của ngành CNTT Việt Nam chỉ khoảng 530 ngàn nhân sự. Số lượng sinh viên CNTT nhập học hằng năm tại các trường cao đẳng và đại học trong nước từ 50 – 57 ngàn. Số lượng sinh viên CNTT trung bình tốt nghiệp hàng năm khoảng 16 ngàn. Tuy nhiên, hầu như sinh viên tốt nghiệp đều phải đào tạo lại ít nhất là 3-6 tháng để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

c
Chia sẻ về nhu cầu nguồn nhân lực CNTT tại Hội thảo. Ảnh: KA

Theo ông Danh, dựa trên báo cáo của Công ty Cổ phần IT VIEC, 73% các công ty CNTT tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong năm 2024. Dự kiến số lượng nhân sự mà các công ty CNTT còn thiếu trong năm 2024 để đảm bảo sự phát triển và cạnh tranh trên thị trường khoảng 170 ngàn người.

Ông Danh cho rằng, để tìm được việc làm trong lĩnh vực CNTT, người lao động cần có kiến thức cốt lõi về lập trình, như hiểu biết sâu về ngôn ngữ lập trình, thuật toán, cấu trúc dữ liệu. Cơ sở dữ liệu cần nắm vững kiến thức về SQL (Ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc), NoSQL (hệ thống quản lý dữ liệu cho phép lưu trữ và truy vấn dữ liệu một cách linh hoạt) và quản lý cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, cần hiểu về mạng máy tính, bảo mật thông tin, quản lý rủi ro, cũng như nắm bắt những xu hướng công nghệ như AI, 5G, IoT, điện toán lượng tử. “Tư duy logic, sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, nắm vững tiếng Anh, tự học và tự thử nghiệm,… cũng là những kỹ năng cần có của những người làm trong ngành CNTT”, ông Danh nói.

Tư ván
Tư vấn việc làm cho sinh viên CNTT. Ảnh: KA

Bà Nguyễn Ngọc Anh Thư, Giám đốc Marketing, Công ty Cổ phần TopCV Việt Nam cho biết thêm, theo khảo sát của TopCV Việt Nam, năm 2023, chỉ có 41,79% doanh nghiệp ở hai thành phố lớn là HCM và Hà Nội đạt 100% chỉ tiêu tuyển dụng. Điều này chứng tỏ tiềm năng nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT ở cả hai thị trường lao động chính này vẫn còn rất lớn. Trong đó, nhân lực kinh doanh/bán hàng chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 39,3%, tiếp đến là IT – phần mềm 13,2% và marketing/truyền thông/quảng cáo 12%. Đặc biệt, 28,57% số doanh nghiệp CNTT đang “khát nhân lực” ngành IT – phần mềm, nhất là với cấp bậc chuyên viên (nhân viên 3 năm kinh nghiệm, không phải là quản lý). Mức lương phổ biến của nhóm ngành này từ 8 – 40 triệu tùy thuộc vào năm kinh nghiệm và chức vụ (quản lý, trưởng phòng).

Theo bà Thư, năm 2024, IT - Phần mềm là nhóm ngành mục tiêu tiếp theo mà các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng, sau nhóm ngành kinh doanh/bán hàng.