Nghiên cứu sử dụng dữ liệu trồng lúa và trái cây của Việt Nam được rút ra từ Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2016.
Một nghiên cứu mới đây “Đo lường việc lạm dụng thuốc trừ sâu và các yếu tố quyết định: Bằng chứng từ các cánh đồng lúa và trái cây ở Việt Nam” [Measuring pesticide overuse and its determinants: Evidence from Vietnamese rice and fruit farms] trên tạp chí The Australian Journal of Agricultural and Resource Economics đã phân tích đầu vào thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp, khảo sát về việc sử dụng thuốc trừ sâu tối ưu cũng như các yếu tố đến việc sử dụng thuốc trừ sâu quá mức hay sử dụng ít thuốc trừ sâu.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu trồng lúa và trái cây của Việt Nam được rút ra từ Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2016. Tóm tắt nghiên cứu cho thấy, khoảng 95% nông dân trồng lúa và cây ăn quả lạm dụng thuốc trừ sâu. Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long có mức độ lạm dụng thuốc trừ sâu trong canh tác lúa gạo cao hơn hai vùng khác. Việc sử dụng thuốc trừ sâu quá mức ở các nhóm phụ nữ và hộ nghèo thấp hơn, còn những hộ có thu nhập cao hơn và nhiều thành viên trong gia đình hơn lại có cường độ sử dụng quá mức cao hơn. Đối với các trang trại trồng cây ăn quả, các hộ trẻ hoặc có nhiều thành viên trong gia đình có nhiều khả năng lạm dụng thuốc trừ sâu hơn là theo xu hướng sử dụng ít thuốc trừ sâu.
Các nhà nông nghiệp đã từng trao đổi với KH&PT về việc lạm dụng thuốc trừ sâu của người nông dân, nông dân thường tăng lượng thuốc trừ sâu theo năm với suy nghĩ ngây thơ là sẽ giúp họ tránh được sâu bệnh cho mùa vụ. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ dưới 1% thuốc thuốc trừ sâu sử dụng tác động vào đối tượng phòng trừ trong khi hơn 99% còn lại tồn dư trong sản phẩm nông nghiệp, phát tán vào môi trường đất, nước và không khí…
Bài đăng số 1285 (số 13/2024) KH&PT
B. Như