Nền tảng Oda giúp các doanh nghiệp trong ngành khách sạn, nhà hàng, quán cà phê v.v. quản lý số lượng nguyên liệu đang có, và đặt hàng thực phẩm tươi sống một cách thuận tiện, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí, cũng như giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm
Oda vừa cho biết đã huy động được 1 triệu USD trong vòng tài trợ hạt giống do Touchstone Partners dẫn dắt.
Năm 2019, ông Jin Lee đã thành lập Oda và đặt trụ sở công ty tại Việt Nam. Nền tảng này kết nối các doanh nghiệp và nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm và đồ uống (F&B) thông qua phần mềm quản lý.
“Đã từng có thời gian làm việc trong ngành khách sạn, tôi hiểu rõ những nút thắt trong chuỗi cung ứng nguyên liệu giữa các nhà cung cấp và nhà hàng", ông Jin Lee, đồng thời là Giám đốc điều hành của Oda, cho biết. Với quy trình truyền thống, các doanh nghiệp thường phải mua thực phẩm với số lượng lớn trong một lần, dẫn đến dư thừa phải đổ bỏ. Trong khi đó, với Oda, họ dễ dàng liên lạc với nhà cung cấp để bổ sung thực phẩm tươi sống nếu cần. “Tôi nhận ra rằng một giải pháp số hóa và hợp lý hóa việc đặt hàng không chỉ giúp tăng hiệu quả kinh doanh mà còn giúp giảm lãng phí."
Ngoài các đơn đặt hàng theo thời gian thực, nền tảng còn cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, tiệm bánh một hệ thống theo dõi và phân tích xu hướng mua hàng theo thời gian.
Đại diện Oda cho biết với nguồn vốn này, công ty sẽ tiếp tục xây dựng công nghệ phần mềm cốt lõi, tinh chỉnh giao diện người dùng của ứng dụng và cải thiện khả năng phân tích dữ liệu lớn để dự đoán tốt hơn xu hướng thị trường.
Công ty cũng cho biết đã kết nối hơn 120 nhà cung cấp với gần 500 khách hàng tại Việt Nam, trong đó có Belgo, Baemin Kitchen và Lacaph.
Ông Bobby Liu, đại diện Touchstone Partners, cho hay tiềm năng phát triển của Oda và việc công ty này đã vượt qua quãng thời gian đại dịch một cách thành công là lý do để Quỹ quyết định đầu tư. “Ngành F&B cạnh tranh vô cùng gay gắt, trong đó giá cả là yếu tố then chốt. Chúng tôi tin rằng giải pháp của Oda sẽ giúp các nhà hàng cũng như nhà cung cấp giải quyết được điểm yếu quan trọng của ngành, tận dụng tốt hơn nguồn nhân lực và tài chính, đồng thời giảm thiểu tình trạng hư hỏng và lãng phí thực phẩm,” ông cho biết.
Thị trường quản lý chuỗi cung ứng phần mềm dưới dạng dịch vụ được dự đoán sẽ đạt 26 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13,4%.
Nguồn:
Hà Trang tổng hợp