Lần đầu tiên các giảng viên Việt Nam tham gia làm giám khảo tại ISEF, cuộc thi khoa học và kỹ thuật lớn nhất dành cho học sinh phổ thông toàn cầu được tổ chức vào tháng Năm hằng năm tại Mỹ.

Trong đó, TS Phạm Đức Thọ - Trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm, Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường đại học Hùng Vương - làm giám khảo ở lĩnh vực Phần mềm hệ thống; và nghiên cứu sinh tiến sĩ Đặng Minh Tuấn - giảng viên Khoa Sư phạm, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - làm giám khảo ở lĩnh vực Thiên văn tại ISEF 2023.

TS Phạm Đức Thọ cho biết, những người muốn làm giám khảo tại ISEF sẽ nộp hồ sơ đăng ký. Hồ sơ được chấp thuận phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Ban tổ chức như phải có ít nhất 6 năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến lĩnh vực ứng tuyển hoặc có bằng tiến sĩ hay nghiên cứu sinh có ít nhất 4 năm nghiên cứu về lĩnh vực ứng tuyển... Các giám khảo tự lo chi phí đi lại và lưu trú trong thời gian làm việc ở Mỹ.

Cuộc thi diễn ra ở hơn 20 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực lại được chia thành các lĩnh vực nhỏ hơn; thí dụ, lĩnh vực phần mềm hệ thống được chia thành các lĩnh vực nhỏ gồm Thuật toán, Ứng dụng di động, Ứng dụng hệ thống, Trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT) – theo TS Thọ. Bởi vậy, ISEF cần rất nhiều giám khảo để làm công việc đọc, đánh giá trước tài liệu về các dự án dự thi cũng như chấm phỏng vấn các đội tại chỗ. Cụ thể, TS Thọ cho biết, cuộc thi cần tuyển khoảng 1.000 giám khảo.

Là người từng tham gia ban giám khảo tại nhiều cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật ở tỉnh Phú Thọ, TS Thọ chia sẻ, anh muốn đến ISEF để có góc nhìn quốc tế và mang kinh nghiệm đó về đóng góp cho các cuộc thi tương tự ở trong nước.

abc
Ba học sinh đoạt giải cao nhất tại ISEF 2022. Nguồn: societyforscience.org

ISEF là cuộc thi khoa học lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông từ lớp 9-12. Cuộc thi được tổ chức lần đầu vào năm 1950 nhằm tạo cơ hội cho những nhà khoa học trẻ xuất sắc trên khắp thế giới trình thi tài để giành các giải thưởng, học bổng, trợ cấp học phí, thiết bị khoa học và các chuyến tham quan khoa học với tổng trị giá gần 6 triệu USD.

Mỗi lĩnh vực thi đều trao một số giải Nhất (3.000 USD), giải Nhì (2.000 USD) cùng nhiều giải Ba (1.000 USD), giải Tư và giải phụ. Từ các gương mặt xuất sắc ở các lĩnh vực, Ban giám khảo chọn ra giải Nhất, giải Nhì và giải Ba của toàn cuộc thi với phần thưởng lần lượt là 75.000 USD, 50.000 USD, và lời mời dự tiệc trao giải Nobel.

Hằng năm có khoảng 8 triệu học sinh trên toàn cầu tham gia thi ISEF ở cấp địa phương, vùng, và quốc gia để tuyển ra khoảng gần 2 nghìn học sinh đến Mỹ dự cuộc thi quốc tế vào tháng Năm.

Năm 2012, học sinh Việt Nam lần đầu đến Mỹ thi ISEF với 1 đề tài. Kể từ đó, số đề tài tham dự của học sinh Việt Nam ngày càng tăng, trong đó năm 2018 có đến 10 đề tài. Học sinh Việt Nam chưa năm nào trở về tay không; tuy nhiên, sau giải Nhất của nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam ở lĩnh vực Điện và Cơ khí vào năm 2012, thành tích tốt nhất của học sinh Việt Nam đến nay mới tạm dừng ở giải Ba.