Trượt đất nông (chiều sâu từ 1-10m) thường xảy ra ở nơi lớp đất bề mặt có hệ số thấm cao, nằm trên một lớp đất có hệ số thấm thấp. Khi mưa lớn, nước mưa không đi qua được lớp đất ít thấm, khiến mực nước dâng lên trong lớp đất thấm tốt và làm mất ổn định sườn dốc.
Theo nghiên cứu của ITST, trượt đất nông xảy ra với tần suất cao ở vùng núi Tây Bắc và dọc theo dãy Trường Sơn từ địa phận Quảng Bình đến Kon Tum, chủ yếu diễn ra trên QL 6, QL2, QL70, QL4D, QL279, QL37...
Đường Hồ Chí Minh (đoạn từ Quảng Bình vào đến Kon Tum, đoạn nhánh phía tây từ Khe Sanh, Quảng Trị đến Khe Gát, Quảng Bình), đường Trường Sơn Đông (đoạn từ Quảng Nam vào đến Lâm Đồng), QL27 (đoạn từ Krông Nô, Đăk Nông đến Đèo Chuối, Lâm Đồng), các đường ngang như QL8A (đoạn qua địa phận huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đến giáp biên giới Lào), QL12A (đoạn từ Đổng Lê đến ngã ba Pheo - Quảng Bình), QL49A (đoạn từ Dốc Mín đến A Lưới, Thừa Thiên - Huế), QL24 (đoạn qua đèo Violac thuộc địa phận Quảng Ngãi)... đều thường xuyên xảy ra trượt đất nông - một nguyên nhân gây ra lũ bùn đá và lũ quét, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Bích Lâm