Quốc lộ 6 - con đường giao thông huyết mạch nối liền Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc. Thế nhưng mỗi khi mùa mưa đến thì vị trí Km 128, 129 thuộc địa phận huyện Mai Châu - Hòa Bình lại bị coi là cung đường tử thần đối với các phương tiện giao thông di chuyển qua đây.
Nỗi lo đó giờ đây đã giảm bớt đi nhiều lần, bởi tại 3 vị trí thường xuyên xảy ra sạt lở trên tuyến đường này đã được Tổng cục Đường bộ thí điểm sử dụng lưới thép cường độ cao ổn định bờ dốc, chống đá rơi đá lở. Đây là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Hệ thống lưới thép bao phủ toàn bộ bề mặt bờ đá, kết hợp với hàng trăm chiếc đinh sắt cắm sâu vào đá tới 4m, giữ chặt không cho đá sạt lở. Mỗi sợi dây thép cường độ cao được nhập khẩu từ Thụy Sỹ chịu lực kéo lên tới gần 2 tấn trên 1mm2, với độ bền hàng trăm năm, bởi vậy nên nhiều khối đá rơi ra đã bị giữ chặt trong tấm lưới này.
Công nghệ khoan cao áp bơm bê tông vào lòng đất được áp dụng tại Hòa Bình. Cách Quốc lộ 6 không xa, khu vực đồi ông Tượng nằm sát công trình thủy điện Hòa Bình cũng là địa điểm thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở do cấu tạo địa chất phức tạp. Tình trạng này đe dọa nghiêm trọng đến các công trình dân sinh nằm dưới chân đồi. Để có được trạng thái ổn định như hiện nay, rất nhiều công nghệ hiện đại đã lần đầu tiên được áp dụng như khoan cao áp bơm bê tông vào trong lòng đất, đóng các cọc bê tông vào sâu trong các khu vực sạt trượt, công nghệ này còn được gọi với cái tên đóng đinh đất.
Dù những giải pháp này đã xử lý gần như triệt để tình trạng sạt trượt, tuy nhiên công nghệ thi công tiên tiến luôn đi kèm với giá thành cao, nên chỉ được áp dụng đối với một số vị trí trọng điểm. Trong khi đó, tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc đang có khoảng 10.266 điểm có nguy cơ sạt lở; trong đó 2.110 điểm có khối lượng trượt lớn.
- Clip thí điểm sử dụng công nghệ cao phòng chống sạt lở tại Hòa Bình: