Báo cáo của Bộ Công Thương về thực trạng của ngành công nghiệp ôtô chỉ ra rằng, mặc dù đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân đến xe 9 chỗ ngồi là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, nhưng đến nay, tỷ lệ này mới đạt 7-10%.

Ngày 12/10, hội thảo “Công nghiệp ôtô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam” đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh.

Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải.

Thị trường quá nhỏ

Báo cáo về kết quả của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong 2 năm trở lại đây, ông Đỗ Thắng Hải cho biết: “Tổng năng lực sản xuất – lắp ráp ô tô khoảng 460.000 xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con (công suất đạt khoảng 200 ngàn xe/năm), xe tải và xe khách (công suất 215 ngàn xe/năm)”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (áo xanh) và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh (áo kẻ sọc trắng) xem triển lãm trưng bày linh kiện ôtô. Ảnh: NV
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (áo xanh) và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh (áo kẻ, đứng giữa) xem triển lãm trưng bày linh kiện ôtô. Ảnh: NV

Tuy nhiên, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước vẫn chưa đạt tiêu chí đề ra, phần lớn mới chỉ ở mức độ lắp ráp đơn giản. Trong khi đó, giá bán xe vẫn còn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi vẫn còn thấp chỉ 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% với dòng xe Innova.

Lý giải về điều này, ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng: “Nguyên nhân chính là do quy mô thị trường ôtô Việt Nam còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ôtô tại ASEAN, bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/14 của Indonesia. Trong khi đó, ngành công nghiệp ôtô phát triển dựa vào lợi thế quy mô”.

Theo dự báo, đến năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 3.000 USD. Thời kỳ bùng nổ nhu cầu xe hơi sẽ diễn ra ngay sau đó. Năm 2025, nhu cầu xe hơi sẽ đạt khoảng 600.000 xe/năm. Nếu ngành công nghiệp ô tô trong nước đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt là loại xe 9 chỗ thì năm 2025 có thể giảm được 3-7 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu. Đến năm 2030, con số tiết kiệm được lên tới 5-12 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thương mại.

Trong khi đó, công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô mới bước đầu hình thành, sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện... Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.

Công nghiệp hỗ trợ ngành cô tô cũng chưa tạo được sự hợp tác – liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất- lắp ráp ôtô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Các nguyên liệu vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.


Tăng tỷ lệ nội địa hóa

Dù đã có nhiều nỗ lực, ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô vẫn đang ở mức độ lắp ráp đơn giản. Ông Trương Thanh Hoài cho biết thêm: “Hiện nay, sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất-lắp ráp ôtô và sản xuất phụ tùng linh kiện chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên liệu và linh kiện sản xuất ở quy mô lớn".

Như vậy, cùng với thị trường trong nước và khu vực tiếp tục mở rộng, các nhà sản xuất ô tô trong nước cần có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa với mục tiêu trên 40% để hưởng các ưu đãi thuế AFTA nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ Công thường Đỗ Thắng Hải cho rằng, giải pháp đầu tiên cần làm là tạo nên một thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước. Trong đó có biện pháp đảm bảo sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ôtô trong nước thông qua hàng rào kỹ thuật, biện pháp chống gian lận thương mại.

Trong khi đó, ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô chỉ có thể phát triển được khi thị trường ôtô đủ lớn và việc sản xuất xe có thể duy trì, phát triển. Chia sẻ về điều này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, có nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế công nghệ chế tạo chi tiết vỏ xe, hộp số động cơ. Trong danh sách các sản phẩm quốc gia cũng có sản phẩm liên quan là động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải.

"Các nghiên cứu này được thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Để phát triển ngành công nghiệp ô tô, ông Toru Kinoshita - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - đề xuất 3 nhóm chính sách trụ cột.

“Thứ nhất là nhóm chính sách nhằm duy trì sự tăng trưởng ổn định của thị trường, gồm cả các giải pháp hạn chế tác động tiêu cực lên thị trường. Thứ hai là nhóm chính sách hỗ trợ để giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất –trong nước và xe nhập khẩu dựa trên nguyên tắc đảm bảo đổi xứ công bằng, minh bạch giữa các nhà sản xuất và phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam. Thứ ba là nhóm chính sách thúc đẩy phát triển của các nhà cung ứng (như chương trình đào tạo nhà cung cấp, các ưu đãi đầu tư” – ông Toru đề xuất.