Với sự tham dự của 6 giáo sư đoạt giải Nobel, một giáo sư đoạt huy chương Fields, nhiều nhà khoa học danh tiếng…, chương trình Gặp gỡ Việt Nam 2016 được kỳ vọng là cơ hội để khoa học Việt Nam tiến gần hơn với trình độ thế giới.
Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Hội Gặp gỡ Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức trong 2 ngày 7-8/7 tại thành phố biển Quy Nhơn, Bình Định.
Thúc đẩy nghiên cứu chất lượng cao ở ICISE
Chia sẻ với Báo Khoa học và Phát triển, GS Trần Thanh Vân - người sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam - cho biết, mục tiêu của các chuỗi hội thảo khoa học trong các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” trước đây - đặc biệt là từ năm 2013 đến nay tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) Quy Nhơn - là đưa các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam để chia sẻ với các nhà khoa học Việt Nam những kết quả nghiên cứu mới nhất cũng như sự phát triển của khoa học quốc tế.
Hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” - một trong những nội dung quan trọng của Gặp gỡ Việt Nam 2016 - được tổ chức cũng với mong muốn tạo dịp để các nhà khoa học tương tác, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội. Những đại biểu tham gia hội nghị cũng sẽ đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước châu Á nói chung và đặc biệt ở các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam với những chủ đề đặc thù của những đất nước này.
“Những hoạt động đó sẽ góp phần để khoa học Việt Nam ngày một tiến gần hơn với trình độ của khoa học thế giới. Năm nay, chúng tôi tổ chức 12 hội thảo khoa học quốc tế với hơn 1.600 nhà khoa học quốc tế đến Bình Định. Đây là cơ hội tốt để chúng ta có thể thúc đẩy nghiên cứu khoa học chất lượng cao ở ICISE. Từ tháng 9/2016, chúng tôi sẽ bắt đầu khởi động một nhóm nghiên cứu vật lý lý thuyết để khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc” - GS Trần Thanh Vân tiết lộ.
Cho rằng khoa học cơ bản là cơ sở cho các ứng dụng thiết thực như điện tử, laser, di truyền học, chẩn đoán hình ảnh, sự hiểu biết về biến đổi khí hậu…, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh kỳ vọng, sự tham gia của các nhà hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và nghiên cứu cơ bản tại chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần này sẽ giúp các kết quả nghiên cứu cơ bản được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất một cách mạnh mẽ hơn.
Tiếp lửa đam mê khoa học
Trong khuôn khổ của chương trình Gặp gỡ Việt nam 2016, nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel đã có những buổi nói chuyện khoa học đại chúng tại Quy Nhơn và Hà Nội. GS Kurt Wüthrich - chủ nhân giải Nobel Hóa học năm 2002 - trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chiều 5/7 đã chia sẻ cởi mở về cuộc đời khoa học của ông và giới thiệu về các phương pháp nghiên cứu cộng hưởng từ hạt nhân.
Theo GS Trần Thanh Vân: “Các nhà khoa học thế giới rất yêu mến Việt Nam và sẵn sàng giúp Việt Nam phát triển KH&CN. Đây là một cơ hội rất tốt. Tôi mong Chính phủ và Bộ KH&CN nắm bắt cơ hội này”.
Đánh giá về vai trò của Bộ KH&CN đối với chương trình Gặp gỡ Việt Nam, GS Trần Thanh Vân bày tỏ sự trân trọng. Ông cho biết, không chỉ năm nay mà trong những năm vừa qua, Bộ KH&CN đã rất nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện cho những sự kiện khoa học do Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức. Những sự giúp đỡ quý báu đó đã tạo động lực cho Trung tâm ICISE và Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam hoạt động. Năm nay, Trung tâm ICISE đã có 12 hội thảo quốc tế, 3 lớp học chuyên đề vật lý quốc tế cũng nhờ vào sự khuyến khích và giúp đỡ nhiệt thành của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.
“Ngoài những hoạt động ở Trung tâm ICISE, Bộ KH&CN cũng đã ủng hộ rất lớn cho dự án tổ hợp không gian khoa học được Chính phủ phê duyệt và đang tiến hành xây dựng. Đây sẽ là dự án đưa khoa học đến với công chúng, đặc biệt hướng đến trẻ em đầu tiên tại Việt Nam” - GS Trần Thanh Vân cho biết.
Lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Bộ KH&CN sẽ dự khai mạc hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” - hội nghị lớn nhất trong chuỗi sự kiện Gặp gỡ Việt Nam 2016 thu hút sự có mặt của gần 100 nhà khoa học quốc tế - vào sáng 7/7.
Trong khuôn khổ hội thảo này, chiều cùng ngày, các nhà khoa học sẽ thảo luận hai chủ đề: Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi, với phát biểu của GS Kurt Wüthrich - Nobel Hoá học năm 2002; khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững, với phát biểu của GS Finn Kydland - Nobel Kinh tế năm 2004. |