Chương trình KC.13/21-30 sẽ tập trung vào các nghiên cứu cơ bản về sinh học vũ trụ, chế tạo vật liệu, cảm biến sử dụng trong công nghệ vũ trụ, vật lý thiên văn, cơ học bay, viễn thám, công nghệ đẩy vệ tinh,…

Ngày 26/10 tại TPHCM, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.13/21-30 phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng đểm cấp nhà nước và Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển KT – XH khu vực phía Nam”.

Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ”, mã số KC.13/21-30, được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 483/QĐ-BKHCN ngày 23/3/2023.

GS.TS Nguyễn Lạc Hồng, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, Chủ nhiệm Chương trình KC.13/21-30, cho biết, Chương trình KH&CN cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ, giai đoạn 2016 – 2020 đã triển khai thực hiện 38 nhiệm vụ, đạt được một số sản phẩm tiêu biểu, đã chuyển giao cho một số đơn vị khai thác và sử dụng.

Cụ thể như hệ thống WebGIS sử dụng trong quản lý và giám sát tài nguyên, môi trường, thiên tai, chất lượng nước, ô nhiễm không khí, rừng, lớp phủ rừng; Hệ thống ăngten bám kiểu Hexapod, có khả năng thu phát tín hiệu, để điều khiển vệ tinh quan sát trái đất; Phân hệ cao tần cho vệ tinh Micro phục vụ ứng dụng quan sát Trái đất.

V
Giới thiệu kết quả nghiên cứu về công nghệ vũ trụ tại Hội thảo. Ảnh: KA

Hay như bộ thu phát và xử lý tín hiệu trong hệ thống vệ tinh sử dụng công nghệ truyền thông quang vô tuyến FSO, được ứng dụng trong đánh giá, cảnh báo thiên tai, cung cấp thông tin phục vụ nông nghiệp, tối ưu hóa các luồng giao thông. Ngoài ra, còn có vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano quan sát trái đất; Khinh khí cầu và hệ thống thiết bị thả lên tầng bình lưu, ứng dụng trong truyền tin cứu hộ cá nhân; Chế phẩm sinh học phòng ngừa và hỗ trợ khắc phục các yếu tố bất lợi gây ra bởi môi trường vi trọng lực, bức xạ vũ trụ; mẫu tên lửa thử nghiệm TV-01, TV-02;…

Mục tiêu của Chương trình KC.13/21-30 nhằm phát triển KH&CN vũ trụ, viễn thám làm động lực gắn kết, thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ, phát triển và ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhu cầu phát triển KT – XH, đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phát triển một số công nghệ chọn lọc về thiết kế, chế tạo tích hợp cho các hệ thống vệ tinh viễn thông, viễn thám và định vị, các trạm mặt đất, thiết bị bay không người lái,…

v
Hệ thống anten bám kiểu Hexapod. Ảnh: Internet

Theo đó, Chương trình sẽ tập trung vào các nghiên cứu cơ bản về sinh học vũ trụ, chế tạo vật liệu, cảm biến sử dụng trong công nghệ vũ trụ, vật lý thiên văn, cơ học bay, viễn thám, công nghệ đẩy vệ tinh,… Đồng thời, nghiên cứu công nghệ vệ tinh siêu nhỏ quan sát Trái đất, làm chủ công nghệ chế tạo, thử nghiệm các trạm mặt đất điều khiển, thu phát dữ liệu vệ tinh viễn thông, viễn thám, khinh khí cầu,…. Đặc biệt, đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng thông tin, dữ liệu vệ tinh, kết hợp hạ tầng IoT và mạng thông tin 5G/6G trong các lĩnh vực, các hệ thống dẫn đường và định vị chính xác cao, hệ thống quan trắc, giám sát,…

Tại Hội thảo, các viện, trường, doanh nghiệp đề xuất Chương trình tập trung vào các nghiên cứu cụ thể như ứng dụng viễn thám đa nguồn, đa thời gian phục vụ giám sát và dự báo sớm hạn hán, thiếu nước khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Định lượng các đặc tính hình thái và hóa sinh từ dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất phục vụ canh tác lúa thích ứng với biển đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sinh kế nông nghiệp vùng đồng bằng Sông Cửu Long; Phát triển giải pháp giám sát toàn diện rừng ngập mặn ven biển Việt Nam từ dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất;...

Ngoài ra, nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám đa tầng (vệ tinh, thiết bị bay không người lái, cảm biến mặt đất) và công nghệ số (học máy, điện toán đám mây, dữ liệu lớn) để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giám sát phát thải khí methane từ sản xuất lúa, và các cây trồng chủ lực,… cũng được đề xuất thực hiện.